BT

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp Quốc hội chiều 21/5. Ảnh: H.Y

Bội chi giảm hơn 5.500 tỷ đồng

Theo báo cáo, quyết toán thu NSNN năm 2016 là 1.107.381 tỷ đồng, tăng 9,2% (92.881 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); trong đó tăng chủ yếu của ngân sách địa phương (NSĐP) là 89.515 tỷ đồng. Đối với thu ngân sách trung ương (NSTW), loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu - ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu, thì đạt 99,8% dự toán giao.

Về quyết toán chi NSNN năm 2016 là 1.295.061 tỷ đồng, tăng 1,7% (21.628 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (41.501 tỷ đồng) từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và nguồn năm trước chuyển sang theo quy định của Luật NSNN. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 296.451 tỷ đồng, tăng 16,3% (41.501 tỷ đồng) so với dự toán, chiếm 22,9% tổng chi NSNN.

Trong năm 2016, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng như chi sự nghiệp khoa học công nghệ, chi giáo dục đào tạo, chi sự nghiệp y tế, chính sách an sinh xã hội, tiếp tục được chú trọng bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đồng thời tích cực đổi mới, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình tính chi phí đầy đủ theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội.

Số chi chuyển nguồn năm 2016 sang năm sau là 279.387 tỷ đồng, tăng so với năm trước là 42.823 tỷ đồng, chủ yếu do chuyển nguồn cho các nhiệm vụ chi thực hiện chính sách, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2016 giao chậm so với dự kiến và chi từ nguồn tăng thu NSĐP năm 2016 theo quy định của Luật NSNN.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Huy động vốn TPCP bám sát tiến độ giải ngân

Về bội chi, số quyết toán là 248.728 tỷ đồng, giảm 5.505 tỷ đồng so với dự toán (vốn trong nước giảm 835 tỷ đồng; vốn ngoài nước giảm 4.670 tỷ đồng theo tinh thần tiết kiệm của nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ tháng 9/2016), bằng 5,52% GDP thực hiện. Nguồn bù đắp bội chi chủ yếu từ vay trong nước là 197.165 tỷ đồng, vay ngoài nước là 51.563 tỷ đồng, các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) vay trong nước, nhờ đó kỳ hạn vay bình quân năm 2016 đã được kéo dài, đạt 8,71 năm (năm 2015 là 6,98 năm, năm 2014 là 4,84 năm), đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.

Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 52,8%, nợ công bằng 63,8%, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội. Đối với vốn TPCP để đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi quan trọng, trường học và bệnh viện, ký túc xá sinh viên đã được Quốc hội cho phép 60.000 tỷ đồng, dù giải ngân đạt 77,1% dự toán nhưng nguyên tắc huy động nguồn vốn TPCP được thực hiện theo tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư, nên không đọng vốn.

Theo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, Kiểm toán Nhà nước cơ bản nhất trí với báo cáo quyết toán của Chính phủ; những kiến nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) và kiến nghị của KTNN đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp thu, xử lý theo quy định.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2016 với tổng số thu cân đối NSNN là 1.407.572 tỷ đồng, tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP.

Dự báo GDP cao ảnh hưởng đến công tác lập dự toán

Tại báo cáo thẩm tra, UBTCNS thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016.

Đồng thời, UBTCNS đánh giá, trước nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra, song số quyết toán thu NSNN vượt 9,2% thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2016; các khoản thu quan trọng như thu từ DNNN, thu từ DN FDI, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngoài quốc doanh,… cơ bản đạt dự toán. Cơ quan thuế đã nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hạn chế tình trạng trốn lậu thuế; tích cực triển khai nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế... nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cao làm ảnh hưởng đến công tác lập dự toán cùng với việc tính toán các yếu tố phát sinh ảnh hưởng tới nguồn thu trong năm chưa đảm bảo, dẫn đến việc lập và giao dự toán còn bất cập…

Về chi, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để điều hành dự toán chi NSNN theo quy định, bám sát dự toán được giao; công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN được tăng cường; công tác quản lý chi NSNN đã được quan tâm hướng tới mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí; bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển, an ninh, quốc phòng, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng; hỗ trợ sản xuất, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, một số hạn chế trong công tác quản lý chi NSNN năm 2016 cũng được nêu rõ như việc lập và giao dự toán chi đối với một số khoản chi chưa sát thực tế; vẫn còn tình trạng giao dự toán chậm; giao dự toán chi đầu tư phát triển chưa đúng đối tượng, chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020…/.

H.Y