Văn bản của Văn phòng Chính phủ đưa ra dựa trên báo cáo của Bộ Công an tại văn bản số 1378/BC-BCA-CSHS sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ thường Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện các kiến nghị và có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu tại báo cáo của Bộ Công an.

Rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh tín dụng đen
Rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh tín dụng đen. Ảnh: T.L
Ngành Tài chính tăng cường thanh, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực Không để xảy ra tình trạng lộ lọt bí mật nhà nước lĩnh vực Dự trữ quốc gia Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị phạt tới 3 tỷ đồng

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định của pháp luật, các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen.

Theo đó, Bộ Công an phải phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tín dụng đen.

Về Chỉ thị số 12/CT-TTg, đây là văn bản của Thủ tường Chính phủ ban hành tháng 4/2019 chỉ đạo việc đấu tranh với hoạt động tín dụng đen.

Chỉ thị 12 nêu rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.

Thực tế cho thấy, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động tín dụng đen để vay tiền.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động tín dụng đen.

Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng tín dụng đen hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của tín dụng đen chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.