dự án

Triển khai thủ tục đầu tư chậm, nhiều dự án vốn chờ công trình. Ảnh: T.T

Giao vốn chậm làm chậm giải ngân

Tính đến hết tháng 6, giải ngân vốn ngoài nước là hơn 4.179 tỷ đồng, mới đạt 8,8% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 14,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 17,48% kế hoạch Quốc hội giao và 19,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giải ngân chậm các dự án ODA đó là do một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, như các dự án đường sắt đô thị. Việc giao vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chậm, chưa kịp thời; kế hoạch vốn giao không phù hợp với hiệp định vay, khả năng thực hiện dự án cũng làm chậm tiến độ giải ngân.

Nhiều dự án hiện nay gặp vướng mắc trong việc sử dụng vốn. Thủ tục thẩm định tài chính, thủ tục thẩm định tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam kéo dài, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với dự án có nhiều địa phương tham gia, việc hoàn thiện hồ sơ thẩm định mất nhiều thời gian; vướng mắc về hạn mức dư nợ trong điều kiện được vay lại, địa phương có nợ quá hạn trên 180 ngày với ngân sách nhà nước, dù đã ký hợp đồng cho vay lại nhưng chưa đủ căn cứ để giải ngân.

Nguyên nhân về giải ngân rút vốn là một trong những vướng mắc hiện nay, làm chậm giải ngân kế hoạch vốn các dự án ODA. Ví dụ, trong khâu kiểm soát chi, chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định. Trong khâu rút vốn, đơn rút vốn chưa được duyệt do việc đưa vào các khoản chi không được quy định theo chế độ, sai sót kỹ thuật trong đơn rút vốn, đơn rút vốn tạm ứng theo kế hoạch vốn năm 2019 khi chưa có quyết định giao kế hoạch vốn, thiếu dự toán vốn chi thường xuyên.

Ngoài ra, việc chủ dự án chậm làm thủ tục ghi thu ghi chi, làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn; chủ dự án chậm báo cáo tất toán các khoản tạm ứng với nhà tài trợ cũng khiến giải ngân chậm.

Hậu kiểm đấu thầu, rút ngắn thủ tục đầu tư

Theo kế hoạch, giải ngân nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong năm 2019 khoảng 64.667 tỷ đồng, trong đó phần vốn cho các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 là 60.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại năm 2019 là khoảng 43.402 tỷ đồng, trong đó mức vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương là 17.172 tỷ đồng, cho vay lại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập khoảng 26.230 tỷ đồng.

Với tiến độ như hiện nay, công tác giải ngân từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bộ này đã tiến hành hậu kiểm đấu thầu một số dự án vay vốn ODA của WB, trung bình 10 dự án mỗi năm. Hiện nay bộ đang phối hợp với WB xây dựng kế hoạch hậu kiểm đấu thầu cho khoảng 11 dự án vay vốn ODA, dự kiến triển khai vào cuối năm 2019.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong được phối hợp với nhóm 6 ngân hàng phát triển, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với dự án gặp khó khăn, vướng mắc, để có giải pháp kịp thời, nhằm thúc đẩy giải ngân.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án, khi có dự án thay đổi về chủ trương đầu tư, cần làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án. Đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ cập nhật thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhóm 6 ngân hàng phát triển. Thông tin về khung điều kiện vay, vay ưu đãi được đưa lên công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở tính toán trước khi quyết định đăng ký đề xuất dự án sử dụng các nguồn vốn này.

Theo Ths. Tô Thị Đông Hà - Trường ĐH Tài chính - Marketing, để đầu tư từ nguồn vốn vay ODA hiệu quả, ngay từ đầu, các đơn vị được phân cấp đầu tư cần chủ động rà soát, sắp xếp lại danh mục các dự án đầu tư, xác định các dự án đầu tư ưu tiên, có tính cấp thiết, cấp bách và xác định nguồn vốn để đảm bảo bố trí vốn tập trung, đủ vốn, đúng mục tiêu và thời gian hoàn thành dự án. Đồng thời, hạn chế phê duyệt các dự án đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, dẫn tới đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn.

Trong hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án cần chú trọng việc chuẩn bị, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành và thanh toán vốn./.

Minh Anh