Phấn đấu đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ tăng từ 10-12%/năm

Theo Kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng xác định đến năm 2025 sẽ có 100% cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan: sở khoa học và công nghệ, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở văn hóa, thể thao và du lịch được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, 50% cán bộ các cơ quan có liên quan đến công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được đào tạo nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ; 50% cán bộ có hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển ở các cơ sở giáo dục, các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 250 đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cán bộ được tập huấn, đào tạo các nội dung có liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Sóc Trăng thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ định hướng đến năm 2030
Sóc Trăng thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ định hướng đến năm 2030. Ảnh: TL minh họa

Đến năm 2030, số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ của tỉnh tăng trung bình từ 10-12%/năm; trong đó, số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, quyền tác giả được công nhận tăng lên; có từ 1 - 2 sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ trong giai đoạn 2021-2025 được hỗ trợ khai thác, thương mại hóa; tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Đặc biệt, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho 2 sản phẩm hành tím và Artemia (trứng, sinh khối) đã được Cục Sở hữu tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng sẽ lồng ghép thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đúng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn; gắn triển khai các nội dung Chiến lược sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trong các chương trình, kế hoạch của các ngành, đơn vị và địa phương.

Chú trọng bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc thù

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm ưu tiên cho việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương theo hai hướng.

Một là, tập trung bảo hộ nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh cho các sản phẩm nông sản như: bưởi Năm roi, bưởi da xanh Kế Thành, cam sành Ba Trinh, vú sữa tím Trinh Phú, cam xoàn Phương An, hành tím Vĩnh Châu.

Trong đó, hành tím Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00075 ngày 28/5/2019, thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020.

Riêng sản phẩm gạo của Sóc Trăng, hiện nay tỉnh tập trung phát triển dòng gạo thơm và gạo Tài Nguyên. Đối với hai sản phẩm này, tỉnh cũng đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cũng gắn với địa danh đó là gạo thơm Sóc Trăng và gạo Tài Nguyên Thạnh Trị.

Hai là, đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh do doanh nghiệp sản xuất, tỉnh tập trung tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Những sản phẩm này cũng hướng đến đạt các tiêu chí thuộc Đề án OCOP của tỉnh như: trà mãng cầu, sữa, gạo, bánh pía, lạp xưởng…

Đối với hoạt động hỗ trợ, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ; chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho các chủ thể những nội dung có liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về xúc tiến thương mại, về liên kết chuỗi giá trị,… Trong đó, ngành khoa học và công nghệ của tỉnh tập trung tổ chức các nội dung về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ; lợi ích và sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản địa phương; quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp,…

Về mặt hỗ trợ kinh phí, trong những năm qua tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cho 66 doanh nghiệp (giai đoạn 2013 - 2017 và năm 2019) từ nguồn của dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng do Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada tài trợ. Năm 2018 - 2019, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp...