Ngày 5/11, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn trực tuyến Nhịp đập kinh tế Việt Nam (VEP 2021) – diễn đàn đầu tiên trong chuỗi diễn đàn kinh tế dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách. Sự kiện do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) và Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đồng tổ chức.

VEP 2021 tập trung vào chủ đề: “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững” nhằm hỗ trợ nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam trong ngắn hạn và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững trong dài hạn.

Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5%
Một số diễn giả tại VEP 2021. Ảnh chụp màn hình: LV

NCIF dự báo tăng trưởng 2021 khoảng gần 2%

Theo UNDP, quy mô ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam vô cùng lớn. Có tới 90.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc nộp đơn phá sản trong 9 tháng đầu năm 2021.

Một cuộc khảo sát gần đây của UNDP và Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy, 2/3 số hộ gia đình bị giảm thu nhập và hơn một nửa số hộ gia đình phải cắt giảm lương thực thực phẩm. Tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời tăng từ 10% lên 33,4% vào tháng 8/2021. Do đó, theo UNDP, tăng trưởng GDP cho năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5%.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế ngành của NCIF, đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2021 với những thuận lợi, cơ hội và khó khăn và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo TS. Trần Toàn Thắng, số liệu thống kê công bố trong quý III/2021 cho thấy nền kinh tế khó có thể phục hồi nhanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quý III là nghiêm trọng. Quý IV/2021 cũng như đầu năm 2022 rất cần biện pháp cấp bách, nhất là các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo khơi thông được những tắc nghẽn trong nền kinh tế.

Trước những cơ hội và rủi ro cả bên trong và bên ngoài, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh.

Do đó, tăng trưởng quý IV theo dự báo của NCIF sẽ dao động từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% (kịch bản khả quan), 1,52% (kịch bản cơ sở). Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế Việt Nam 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,43%.

Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi ở trong và ngoài nước, NCIF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 5,8% (kịch bản cơ sở) và có thể cán mốc 6,7% nếu các yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.

Tăng cường cung cấp tài chính dài hạn cho đầu tư công và tư nhân

Câu hỏi chính được thảo luận tại VEP 2021 là làm thế nào để Việt Nam phục hồi nhanh chóng trong ngắn hạn với kế hoạch phục hồi và duy trì tăng trưởng trong dài hạn? Đồng thời, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh dựa trên năng suất, khả năng cạnh tranh, khả năng chống chịu, sự bình đẳng và hài hòa hợp giữa con người và hành tinh, trong bối cảnh mức độ dễ bị tổn thương, không chắc chắn, tính phức tạp và mơ hồ cao hơn?

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Covid-19 không còn được coi là sự gián đoạn đơn thuần mà đã và đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế cũng như các hành vi đầu tư sản xuất, tiết kiệm, tiêu dùng, tác động tiêu cực đến các động lực kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn.

Trong thời gian tới, cần khẩn trương thực hiện các hỗ trợ đã công bố cũng như nghiên cứu thực hiện gói phục hồi tăng trưởng trong trung hạn, xây dựng chiến lược và kịch bản sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới, đặc biệt cần có sự tiếp cận và tư duy chính sách mới trong giai đoạn tới.

Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế trung ương cho rằng, trong thời gian tới, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ cần có quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, trọng điểm và thời gian đủ dài (2022 - 2023).

Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách và tái cấu trúc kinh tế. Bên cạnh đó là vấn đề tận dụng hội nhập, khai thác các hiệp định thương mại tự do; thu hút FDI có chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số….

Trong bài trình bày về tài chính cho phát triển trong phục hồi và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, GS. Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp của UNDP, đã tập trung vào các chính sách nhằm tăng cường cung cấp tài chính dài hạn cho đầu tư công và tư nhân.

Theo ông, thế giới đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng: đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vì vậy, duy trì tỷ lệ đầu tư cao sẽ là yếu tố chính giúp quốc gia ứng phó với khủng hoảng và chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định.

Ngay cả những quốc gia có thị trường tài chính sâu rộng như Mỹ và Đức đã thành lập các thể chế công như ngân hàng phát triển và quỹ phúc lợi quốc gia để cung cấp vốn dài hạn cho các nhóm dự án đầu tư và người vay cụ thể thông qua cho vay trực tiếp, bảo lãnh khoản vay và các công cụ khác.

“Những ví dụ như KfW của Đức, BNDES của Brazil và KDB của Hàn Quốc cho thấy cách các thể chế này có thể đóng góp vào chuyển đổi kinh tế, tài chính bao trùm, và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Cần ưu tiên cải cách các ngân hàng phát triển của Việt Nam như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khi đất nước phục hồi sau Covid-19 và xây dựng chiến lược đẩy nhanh tăng trưởng trong những năm tiếp theo của thập kỷ ” - GS. Jonathan Pincus nêu ý kiến.