PV: Thưa bà, xung đột giữa Nga – Ukraine và chính sách Zero Covid của Trung Quốc hiện nay đang là “gọng kìm” siết chặt nền kinh tế thế giới, khiến triển vọng phục hồi kinh tế sau 2 năm đại dịch ngày càng mong manh. Trước bối cảnh đó, hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế, khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý II. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Tăng trưởng kinh tế có khả năng vượt mục tiêu 6 - 6,5%
Bà Nguyễn Thị Hương

Bà Nguyễn Thị Hương: Xung đột giữa Nga và Ukraine trong 4 tháng qua đã gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu và làm cho giá cả trên thế giới gia tăng. Trước tình hình này, hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, riêng với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) lại dự báo nâng mức tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.

Với những chỉ báo kinh tế tăng trưởng tốt hàng tháng như chỉ số IIP, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới quay trở lại hoạt động, hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình đầu tư trong nước và nước ngoài và đặc biệt là chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi kinh tế…, theo tôi đây là cơ sở để WB dự báo xu hướng tăng trưởng của Việt Nam ngược so với các nước.

PV: Kinh tế thế giới đang trải qua "cơn bão giá" do hệ lụy của xung đột, đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu... Liệu vấn đề này có phải là nguy cơ kìm hãm kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm không? Theo bà, Việt Nam có thể đạt mục tiêu trưởng năm 2022 không?

Bà Nguyễn Thị Hương: Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm cho cả thế giới đang phải gánh chịu hệ lụy. Một trong số đó chính là giá xăng dầu cao kỷ lục, giá cả các mặt hàng tăng mạnh gây lên sức ép lạm phát lớn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao nên cũng không nằm ngoài cơn bão giá này. Mặc dù mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế 6 tháng đầu năm chưa cao, nhưng đây được dự báo là một trong những lực cản lớn đối với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2022.

Nguồn: Tổng cục Thống kế
Nguồn: Tổng cục Thống kế

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022 với một số căn cứ sau:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 và mức độ bao phủ vắc-xin cao. Điều này đã giúp Việt Nam sớm quay lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và mở cửa du lịch quốc tế. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được diễn ra thuận lợi và gặt hái những kết quả ấn tượng trong quý II và 6 tháng/2022. Đây chính là bước đệm tốt cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% cao hơn 0,68 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nền kinh tế quý II có những bước phát triển khá, nhất là khu vực dịch vụ (đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây)... tiếp đà phát triển trong quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt, đạt và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6 - 6,5%.

PV: Khả năng giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, kéo theo các hàng hóa khác tăng giá trong những tháng cuối năm được coi là một áp lực lớn với tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022, theo bà cần chú trọng những giải pháp gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất và tiêu dùng, từ giá các nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và cần nhiều nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, làm chậm quá trình mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động sản xuất nhiều ngành trực tiếp có thể bị ngưng trệ, đặc biệt là các ngành vận tải, khai thác thủy sản.

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép.

Thứ nhất, nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước; cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Triển khai chương trình phục hồi hiệu quả, đúng đối tượng

Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022. Vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, đúng nội dung, đúng đối tượng của các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023, để chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là bước đi quan trọng, cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai, xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Hiện nay, xăng dầu đang có 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Chúng ta cần xem xét để áp dụng các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện giảm thuế như Hà Lan đã giảm 12% thuế giá trị gia tăng xuống còn 9%; Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng Quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít… Hiện Việt Nam đã điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức thấp nhất trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.

Như vậy, lạm phát đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác. Do đó, chúng ta cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách, từ việc giảm thuế với xăng dầu, để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Thứ ba, cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược "rất đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu", nhất là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung; tăng cường thanh tra, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để tăng giá xăng, dầu...

PV: Xin cảm ơn bà!

HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,9%

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế mới đây, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 từ mức 6,6% lên 6,9%, có khả năng đứng đầu toàn khu vực về tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Theo HSBC, Việt Nam được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế. Nhu cầu trong nước đang quay trở lại trong khi động lực bên ngoài tiếp tục thuận lợi. Sau hai quý tái mở cửa ổn định, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam tiếp tục là một ví dụ nổi trội trong khu vực. Tăng trưởng GDP quý II/2022 chạm mốc 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dễ dàng vượt xa những kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, dù cho tăng trưởng toàn phần rất khả quan, HSBC lưu ý cần thận trọng với những rủi ro tăng cao đối với sự tăng trưởng, nhất là rủi ro từ giá năng lượng leo thang.