Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tác động của dịch bệnh là rất nặng nề

Trước tác động của dịch bệnh đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, mức tăng trưởng GDP của quý III năm 2021 vừa được công bố giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, khiến GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Cũng trong 9 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, chưa năm nào số doanh nghiệp thành lập mới lại thấp hơn khá nhiều số doanh nghiệp dừng hoạt động như năm nay. Rõ ràng, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận về tình hình này, TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, mặc dù đã dự đoán GDP quý III sẽ âm nhưng con số Tổng cục Thống kê công bố còn giảm sâu hơn nhiều so với dự báo đầu tháng 9 của nhóm nghiên cứu của BIDV, chứng tỏ tác động rất ghê gớm của dịch bệnh, nhất là vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Mặc dù vậy, điểm sáng của nền kinh tế vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo và lĩnh vực nông – lâm ngư nghiệp.

Theo ông Cấn Văn Lực, việc giảm sâu của lĩnh vực dịch vụ cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vắc-xin và giãn cách xã hội phù hợp. Càng cho chúng ta thấy đã đến lúc Việt Nam cần thống nhất thay đổi mô hình phòng chống dịch bệnh phù hợp hơn, hiệu quả hơn, cũng như mô hình sản xuất kinh doanh linh hoạt, an toàn trong điều kiện mới.

Để tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 3% hoặc 3,5%, chuyên gia của BIDV cho rằng, GDP quý IV/2021 phải đạt mức tăng trưởng tương ứng khoảng 5,3% và 7%. Muốn vậy, phải nỗ lực rất nhiều, rất quyết liệt và đặc biệt là mở cửa nền kinh tế phù hợp. “Thực hiện mục tiêu kép và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh mới với mức tăng trưởng như vậy vẫn có thể đạt được nếu như chúng ta có những điều chỉnh phương thức, chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn vì tiềm lực và sức bật, nhất là khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ, là rất lớn và vốn dĩ bị kìm nén lâu nay” – TS. Cấn Văn Lực nói.

Lạc quan về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn

Với kết quả tăng trưởng 1,42% trong 3/4 thời gian của năm 2021, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, khả năng đạt tăng trưởng cao trong quý IV năm 2021 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là không khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Từ những kết quả chống dịch thời gian qua, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam được cải thiện tốt hơn trong những tháng cuối năm là tương đối khả quan và điều này sẽ tạo động lực lớn cho năm 2022 để hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng đề ra.

Lý giải sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn, chuyên gia của Tổng cục Thống kê nêu ra dự báo về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt những quốc gia lớn, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Dịch Covid-19 tại các nước phát triển cũng đang dần hạ nhiệt do nỗ lực tiêm chủng diện rộng. Từ đó các nước dần trở lại cuộc sống bình thường, nhu cầu của người dân sẽ tăng.

Tại Việt Nam, nhờ nỗ lực triển khai tiêm chủng nên ở nhiều nơi sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Với nội lực của mình, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhờ sự năng động và bền bỉ, hơn nữa đã có tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự đóng góp của khu vực FDI (9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ), nguồn lực vốn trong dân cư… Đây là những tiềm lực quan trọng để tăng tốc quá trình hồi phục kinh tế.

Thị trường tài chính hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng

Trong khi nhiều ngành bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tiếp tục đạt kết quả tích cực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chứng khoán phát triển ổn định, với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế trong 9 tháng ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Dương An