8

Doanh nghiệp và người dân đến nộp thuế tại Cục Thuế Đồng Nai.

Do đó, sự vào cuộc chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương chính là yếu tố quan trọng đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021, tạo tiền đề cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.

PV: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc tổ chức thực hiện chính sách tài chính và điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông nhận định về điều này như thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Đúng là trong tổ chức thực hiện chính sách tài chính và điều hành NSNN cũng có nhiều thời điểm khó khăn, thăng trầm, nhưng chưa bao giờ chịu nhiều thử thách như thời điểm hiện nay.

pv8
PGS.TS Lê Xuân Trường

Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ năm 2020 đã làm tăng lên chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại càng đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng. Trong 8 tháng qua, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm, giãn 85,8 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (72,8 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; 13 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí).

Trong khi đó, nhu cầu tăng chi lớn cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Trong 8 tháng đầu năm 2021, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch và mua vắc-xin (17,2 nghìn tỷ đồng), hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng). Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính chung cả năm 2020 và cho đến nay, NSNN đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là chưa kể đến số tiền chi cho mua vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 dự kiến lên tới hơn 25 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, thu ngân sách lại sụt giảm. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới thu NSNN. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, thu nội địa giảm từ tháng 5 đến nay; thu thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô trong tháng 8 vừa qua cũng giảm so với tháng 7.

Có thể nói, nhiệm vụ thu ngân sách đang đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn, thu đã khó nhưng đồng thời phải vừa đảm bảo kinh phí cho hoạt động của bộ máy, vừa đảm bảo chi cho công tác chống dịch. Đây là 2 nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn cùng lúc phải thực hiện.

PV: Việc thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách cũng là một giải pháp quan trọng hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về công việc này?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Từ năm ngoái, trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành NSNN phù hợp; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách. Kết quả là, ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao.

Năm 2021, chúng ta phải nhìn lại một chút về dự toán chi khi thách thức trong thực hiện nhiệm vụ này ngày càng lớn đối với cả ngân sách trung ương và địa phương. Bởi vì trong năm này, dự toán chi thường xuyên giảm 60 nghìn tỷ đồng, thay vào đó là tăng chi cho đầu tư phát triển. Như vậy, yêu cầu rất quan trọng và cấp thiết đặt ra hiện nay là phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm chi ngay từ khâu dự toán, tiết kiệm trong thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy…

Chính phủ đã quyết định triệt để tiết kiệm, để dành nguồn ưu tiên chi cho phòng, chống dịch Covid-19, như: cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng chi đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, đã tiết kiệm được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Tôi cho rằng, dư địa để giảm chi thường xuyên là vẫn còn. Việc thực hiện cắt giảm chi ngay từ khâu đầu dự toán cho thấy đã rất hiệu quả. Do đó, chúng ta phải tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương ngân sách. Các cấp ngân sách, từ trung ương đến địa phương đều cần phải siết giảm chi tiêu, chi đúng tiêu chuẩn, định mức và theo dự toán được giao, để không một khoản chi nào không có trong dự toán mà ra được khỏi kho bạc như quy định của Luật NSNN.

PV: Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều nữa, những lo ngại về thu khó khăn trong khi nhu cầu chi cao là có cơ sở. Theo ông, để giải bài toán này thì đâu là giải pháp căn cơ?

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Những biến thể nguy hiểm của virus ngày càng nguy hiểm và rất khó dự đoán, sẽ gây không ít khó khăn, thách thức cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và nhiệm vụ tài chính - NSNN trong năm nay. Dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng hơn những dự báo trước đó. Số ca nhiễm tăng cao và những khu vực trọng điểm kinh tế đều bị ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Đáng lo nhất là 23 địa phương đang thực hiện giãn cách có số thu chiếm 70% tổng thu NSNN là một thách thức rất lớn đối với ngành Tài chính.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ trương đảm bảo mọi nguồn lực để chi cho công tác phòng, chống dịch, cũng như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Tôi được biết, Bộ Tài chính đã đề ra nhóm giải pháp đồng bộ, linh hoạt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, cũng như “mục tiêu kép” của Chính phủ - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng đó là bên cạnh tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì cần thực hiện tốt công tác quản lý thu. Trong đó, các cơ quan thu cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Để đảm bảo cân đối ngân sách, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế; trong đó sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như thu từ thương mại điện tử; hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các luật về thuế, các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, cần “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu thường xuyên,...

Những tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới vẫn rất khó dự đoán, đi kèm với đó là những khoản chi cấp bách, phát sinh, do đó rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong việc giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương tài chính - NSNN, cũng như nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN được giao trong năm 2021, tạo tiền đề cho thực hiện các mục tiêu trong năm 2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

Triệt để tiết kiệm dành nguồn ưu tiên chi cho phòng, chống dịch Covid-19

Chính phủ đã quyết định triệt để tiết kiệm, để dành nguồn ưu tiên chi cho phòng, chống dịch Covid-19, như: cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng chi đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, đã tiết kiệm được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Anh (thực hiện)