Các DN FDI đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, một vấn đề đang được quan tâm, đó là cơ cấu vốn FDI đã thực sự bền vững hay chưa?
FDI tập trung vào các ngành thâm dụng lao động
Với hơn 38 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam 2019, Việt Nam thuộc top 3 nước có đầu tư nước ngoài lớn nhất khu vực ASEAN, duy trì ở mức cao tương đương như 2 năm trước đó, với mức bình quân khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng.
Vốn FDI 2019 là điểm sáng nhưng phân tích cơ cấu nguồn vốn này cho thấy vẫn có những quan ngại. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành hàng được đầu tư nhiều nhất trong năm 2019. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn FDI tập trung ở các ngành chế tạo, chế biến, thâm dụng lao động, đòi hỏi kỹ năng thấp, được nhìn nhận là có kết nối yếu với các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Hiện nay, DN FDI đóng góp được khoảng 20% GDP của Việt Nam, 1/4 số thu từ thuế, tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Các DN FDI cũng đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, trong đó hơn nửa là từ các mặt hàng điện tử và khoảng gần 1/4 của riêng một DN (Samsung Việt Nam). Mặc dù các DN FDI đóng góp nhiều cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam, nhưng họ cũng là các DN nhập khẩu lớn. Theo ước tính bình quân, cứ mỗi 1 USD xuất khẩu của các DN FDI ở Việt Nam, thì có khoảng 0,40 USD được dùng để mua vật tư đầu vào từ nước ngoài. Tỷ lệ như vậy là tương đối cao theo các chuẩn mực quốc tế.
Theo OECD, hàm lượng nhập khẩu trong xuất khẩu của Việt Nam ở quy mô cao hơn gấp 5 lần so với hàm lượng ở các quốc gia thu nhập cao như Mỹ và Nhật Bản. Hàm lượng nhập khẩu của Việt Nam tương đương với số liệu báo cáo của Man-ta hoặc Luých-xăm-bua là những quốc gia được coi là điểm đến “quá cảnh”.
Một quan ngại nữa là vốn FDI tập trung chủ yếu ở các ngành chế tạo, chế biến xuất khẩu, đòi hỏi kỹ năng thấp, không có nhiều tiềm năng tăng lương thực tế cho lực lượng lao động trong nước. Bình luận về vấn đề này, ông Jacques
Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho rằng: “Khu vực FDI là 1 động lực tăng trưởng của Việt Nam nhưng FDI mới chỉ đem lại tác động trực tiếp là việc làm trực tiếp. Điều quan trọng là phải tạo lên sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước, tạo ra việc làm gián tiếp”.
Sự chuyển dịch của xu hướng mua lại và sáp nhập
Số liệu chính thức gần đây về xu hướng dòng vốn FDI cho thấy có sự chuyển dịch từ đầu tư vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới sang đầu tư cho mua lại và sáp nhập (M&A) từ năm 2017. Sự chuyển dịch này có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn FDI. Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký, năm 2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Thống kê cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các DN trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản, với 17,8% tổng giá trị.
Các chuyên gia WB cho rằng, mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng sự dịch chuyển này có thể phản ánh hai xu hướng phát sinh. Suy giảm về các dự án đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới có thể liên quan đến môi trường toàn cầu đang xấu đi, vì vậy các nhà đầu tư quốc tế trở nên thận trọng hơn, kể cả với Việt Nam. Tăng đầu tư cho M&A có thể do các DN FDI quan tâm nhiều hơn đến người tiêu dùng trong nước với nhu cầu ngày càng tăng trong những năm qua. Sự quan tâm này được khuyến khích bởi chương trình cổ phần hóa (dẫn đến mua lại DN nhà nước) và do thủ tục thuận lợi hơn so với xin cấp phép đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh mới.
Đầu tư M&A dự kiến có thể đem lại tác động tích cực nếu chủ sở hữu mới đem công nghệ mới đến cho các DN hiện tại. Nhìn vào bằng chứng, nghiên cứu cho thấy đầu tư nước ngoài vào M&A có xu hướng dẫn đến tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở DN bị mua lại, trong khi đầu tư trong nước vào M&A dẫn đến giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đầu tư để mua lại cũng có thể chỉ đơn thuần nhằm chuyển tài sản từ tay chủ sở hữu trong nước sang chủ sở hữu nước ngoài. Đây cũng là vấn đề các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý để cải thiện chất lượng và hiệu quả đầu tư nước ngoài theo mục tiêu của Nghị quyết 50/NQ-TW mà Bộ Chính trị đã đề ra gần đây./.
---------------------------------------------------------------------------------------
* Ông Nguyễn Văn Toàn, chuyên gia kinh tế thuộc Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE):
Có chính sách rõ ràng để thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW
![]() |
Ông Nguyễn Văn Toàn |
Mặc dù vốn FDI 2019 giải ngân cao nhưng vốn giải ngân này lại có tỷ trọng lớn là giải ngân trực tiếp từ M&A. Bên cạnh đó, vẫn vắng bóng các nhà đầu tư lớn, năm 2019 hầu như không có dự án FDI nào trên 1 tỷ USD, trừ 1 dự án M&A. Cơ cấu nguồn vốn cho thấy vốn cho sản xuất, công nghệ thấp. Vốn FDI cho nông nghiệp không những không tăng mà còn giảm từ bình quân gần 1% những năm trước còn hơn 0,26% trong năm 2019, trong khi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp có thể đem lại giá trị cao. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu 40% từ các DN FDI là một quan ngại. Trong 60% còn lại, các DN Việt trong nước được gì? Có lẽ được thấp hơn nhiều vì giá trị gia tăng trong 60% đó chủ yếu do DN phụ trợ 100% vốn FDI thực hiện, sự tham gia của các DN trong nước trong chuỗi giá trị này là rất hạn chế.
Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị cho thấy tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài, chỉ ra rằng Việt Nam sẽ thu hút đầu tư nước ngoài theo cách có lựa chọn, tập trung vào chất lượng, hiệu suất, công nghệ và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thực thi được những mục tiêu của nghị quyết là điều không dễ dàng và cần phải có những chính sách rõ ràng hơn. Khi có chính sách rõ ràng, sẽ phân loại được những nhà đầu tư có chất lượng, tránh việc khi DN FDI đã vào rồi mới đề ra chính sách, gây khó cho DN.
* Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư - Tổng cục Thống kê:
Hướng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Việt Nam đang cần vốn và công nghệ mới
![]() |
Ông Nguyễn Việt Phong |
Từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, xu hướng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đa dạng hình thức đầu tư vào Việt Nam, trước đây thì phải thành lập dự án, xin cấp phép, chủ trương đầu tư… Tuy nhiên những năm gần đây nhà đầu tư nước ngoài còn có thêm 1 kênh đầu tư mới, đó là hình thức góp vốn, mua cổ phần để tiền đầu tư có thể nhanh chóng đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. Năm 2019, tỷ lệ vốn theo hình thức này chiếm tới 40,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài, năm 2018 là 28%. Trong khi đó, đối với hình thức đầu tư trước đây là đăng ký mới dự án có xu hướng giảm. Vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh năm 2017 là 29,7 tỷ USD; năm 2018 là 25,6 tỷ USD và năm 2019 là 22,5 tỷ USD).
Thực tế này cho thấy 2 điểm: Thứ nhất, môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể đa dạng hóa hình thức đầu tư hơn. Hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần sẽ là xu hướng trong những năm tiếp theo. Thứ hai, theo tôi, bên cạnh việc tiếp tục kiên định mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao và phải kiểm soát được dòng vốn này, tránh tình trạng vốn ngoại hóa, chi phối hoạt động kinh tế của những ngành, lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, cần có chính sách cụ thể hơn nữa để hướng luồng đầu tư nước ngoài vào những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang cần vốn, hoặc những ngành, lĩnh vực công nghệ mới, đem lại giá trị tăng thêm cao, ít gây ô nhiễm môi trường…
Thảo Miên và nhóm PV (thực hiện)