Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/9/2021.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 237.920.170 ca, trong đó có 4.855.262 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu tiếp tục chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm.

Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Nga và Brazil số ca mắc mới vẫn cao. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 80.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 1.200 trường hợp.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 214 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 83.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 8/10, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 731.000 ca tử vong trong tổng số 45.109.804 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 450.277 ca tử vong trong số 33.922.917 ca. Brazil đứng thứ 3 với 600.425 ca tử vong trong số 21.532.558 ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 330 người và CH Bắc Macedonia với 326 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 45,2 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 69 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 213.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.

Trong một diễn biến tương tự, ngày 8/10, Hàn Quốc và Singapore đã nhất trí dỡ bỏ hoặc nới lỏng quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, từ ngày 15/11, hành khách đã tiêm phòng đến từ Hàn Quốc nhập cảnh Singapore sẽ không bắt buộc phải thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định hiện hành ở Singapore.

Khách nhập cảnh sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ từ trước đó ít nhất hai tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ qua. Ngoài ra, quy định này cũng chỉ áp dụng đối với hành khách đã ở lại quốc gia khởi hành ít nhất hai tuần trước khi rời đi và với các chuyến bay trực tiếp.

Đây là thỏa thuận đầu tiên mà Hàn Quốc ký với một quốc gia khác về việc công nhận chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 lẫn nhau. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc và Singapore cho phép nhập cảnh tất cả hành khách đã tiêm các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, cũng như những hành khách tiêm kết hợp hai loại vaccine.

Chú thích ảnh
Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Auckland, New Zealand, ngày 15/2/2021.

Ngày 8/10, New Zealand thông báo nước này có thêm 44 ca nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng, nâng tổng số ca lây nhiễm trong đợt bùng phát dịch tại cộng đồng lần này lên 1.492 ca. Theo Bộ Y tế, trong số các ca nhiễm mới, 41 ca ở thành phố lớn nhất Auckland và 3 ca gần Waikato.

Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, New Zealand ghi nhận tổng số 4.169 ca nhiễm COVID-19. Giới chức nước này cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp siết chặt theo mức độ Cảnh báo 3 tại vùng Northland kể từ đêm 8/10, sau khi khu vực này xác nhận một ca dương tính với SARS-CoV-2 trong quá trình làm xét nghiệm tại đây.

Theo cảnh báo mức độ 3, các dịch vụ bán hàng mang về và công trình xây dựng được phép hoạt động song phải đảm bảo phòng dịch, các dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa trong khi học sinh, sinh viên phải chuyển sang học trực tuyến.

Tại Bỉ, ngày 8/10, Quốc hội vùng Brussels đã thông qua việc áp dụng chứng nhận an toàn với COVID-19 (CST). Theo đó, kể từ ngày 15/10, các quán cà phê, nhà hàng và vũ trường trên toàn Vùng Thủ đô Brussels sẽ áp dụng CST. Chứng nhận này cũng bắt buộc đối với các hoạt động diễn ra bên trong các câu lạc bộ thể thao và bên ngoài với quy mô tập trung 200 người. CST cũng được áp dụng tại các cơ sở văn hóa, lễ hội, hội chợ và đại hội quy tụ 50 người trong nhà hoặc 200 người ngoài trời. Các bệnh viện và viện dưỡng lão cũng sẽ yêu cầu CST.

Nếu sự kiện mang tính riêng tư có quy mô 50 người trong nhà và 200 người ngoài trời, thì CST không bắt buộc. CST cũng không bị yêu cầu đối với phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ công, cửa hàng và trung tâm thương mại hoặc nơi làm việc.

Theo quy định, CST bắt buộc đối với người từ 16 tuổi trở lên, ngoại trừ trong các nhóm trường học. Tại viện dưỡng lão hoặc trong các sự kiện đại chúng, CST sẽ áp dụng đối với người từ 12 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, khẩu trang vẫn bắt buộc tại các cơ sở này. Dự kiến, việc áp dụng CST sẽ có hiệu lực đến ngày 15/1/2022. Nếu bối cảnh được cải thiện, quy định này sẽ kết thúc sớm hơn. Nếu tình hình còn phức tạp thì quy định tiếp tục được gia hạn.

Tại Nga, nước này ghi nhận 936 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua - con số thống kê theo ngày cao nhất tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 214.485 người. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 27.246 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh này lên con số 7,7 triệu người.

Tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Nga bắt đầu tăng mạnh từ cuối tháng 9. Nhà chức trách Nga cho rằng thực trạng này là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tính đến ngày 5/10 vừa qua, mới chỉ có gần 33% trong số 146 triệu người dân Nga đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 29% đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một sáng kiến của cơ quan này nhằm đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022. Ông nêu rõ theo chiến lược này, đến cuối năm 2021 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 40% dân số và đến giữa năm 2022 đạt tỷ lệ 70%, thông qua việc ưu tiên phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp, nhất là những nước ở châu Phi.

Theo ông Tedro, để đạt được mục tiêu trên sẽ cần ít nhất 11 tỉ liều vaccine và đây là vấn đề về phân bổ chứ không phải vấn đề về nguồn cung. Tổng Giám đốc WHO khẳng định "sản lượng vaccine toàn cầu hiện nay là gần 1,5 tỷ liều/tháng, đủ cung cấp để đạt được mục tiêu trên, miễn là vaccine được phân phối công bằng".

Số liệu của WHO cho thấy hơn 6,4 tỷ liều vaccine hiện đã được sử dụng trên toàn cầu và hơn 30% dân số thế giới đã hoàn thành tiêm chủng. Tuy nhiên, các nước có thu nhập thấp tiếp nhận chưa tới 0,5% lượng vaccine của thế giới. Tại châu Phi, chưa tới 5% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Đầu năm nay, WHO đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 9/2021, mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, 56 nước trên thế giới không đạt được mục tiêu này.

Tại Canada, Giám đốc Cơ quan y tế công cộng Canada, Ts.Theresa Tam ngày 8/10 đã bày tỏ lạc quan về cuộc chiến chống làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch COVID-19 ở quốc gia Bắc Mỹ này.

Tiến sĩ Theresa Tam nhận định, những nỗ lực được thực hiện để làm chậm lại sự lây lan của virus dường như đang phát huy tác dụng. Bất chấp những thách thức đặt ra trong làn sóng lây nhiễm hiện nay, có những lý do chính đáng để lạc quan trong dữ liệu mô hình liên bang mới nhất. Lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 ở Canada đang có xu hướng giảm sau nhiều tháng. Trong tuần qua, Canada ghi nhận thêm trung bình 3.745 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, chưa bằng một nửa con số 8.000 ca nhiễm mới/ngày được dự đoán trong mô hình công bố hồi tháng 9/2021.

Theo bà Theresa Tam, xu hướng giảm là bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng trên diện rộng và các biện pháp y tế công cộng đang đưa đại dịch vào tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, cần rút ra những bài học cay đắng về những rủi ro khi loại bỏ các biện pháp y tế công cộng quá sớm, đặc biệt là ở những khu vực mà tỷ lệ tiêm chủng còn thấp. Ts.Tam cũng nhấn mạnh các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như đeo khẩu trang, nên được duy trì để tránh một đợt gia tăng các ca nhiễm mới vào mùa Đông.

Chú thích ảnh
Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia,ngày 29/8/2021.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 40.161 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 267.500 người.

Số ca mắc mới của toàn khối có xu thế đi ngang trong mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Brunei và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm mạnh. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới và chỉ có 66 ca tử vong.

Diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 7/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao thứ hai Đông Nam Á. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại khi có 132 ca tử vong, cao nhất Đông Nam Á. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 1.866 ca mắc mới và 34 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 8/10 ghi nhận thêm trên 11.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 116 người, đứng thứ hai toàn khối.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 203 bệnh nhân mới và 18 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 267.524 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 671 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,4 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,6 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Ngày 8/10, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho các nước có thu nhập thấp vào năm 2022, ngoài các liều đã cam kết đối với chương trình COVAX.

Trong một tuyên bố, Moderna cho biết số lượng vaccine ngừa COVID-19 mà hãng định cung cấp cho các nước có thu nhập thấp là một phần trong số từ 2-3 tỷ liều dự kiến sẽ sản xuất vào năm 2022. Cho đến nay, đã có hơn 250 triệu người trên thế giới được tiêm vaccine của Moderna. Tuy nhiên, việc tiếp cận vaccine vẫn là một thách thức đối với nhiều nước.

Trước đó một ngày, Moderna thông báo đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy ở châu Phi, có thể sản xuất 500 triệu liều vaccine theo công nghệ mRNA mỗi năm, trong đó có vaccine ngừa COVID-19. Tháng 5 vừa qua, Moderna cũng cam kết sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX trong khoảng thời gian từ quý IV/2021 đến 2022.