Đây là khẳng định của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về định hướng phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên nhân dịp đầu Xuân mới Quý Mão 2023.

Thị trường chứng khoán sẽ phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2022, thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng đã biến động rất mạnh trước sự tác động của nhiều “dư chấn” khó lường cả trong và ngoài nước. Nhìn lại một năm qua, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những biến động trên TTCK Việt Nam?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2022 là năm thế giới dần hồi phục sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy vậy, thế giới lại phải đối mặt thêm những khó khăn mới do bất ổn chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành, triển khai quyết liệt những quyết sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Các chủ trương, chính sách đồng bộ đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực. Do đó, đất nước đã đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan về kinh tế - xã hội.

Quan trọng nhất là thị trường phát triển ổn định, an toàn, thông suốt, minh bạch, kỷ cương
Thị trường chứng khoán sẽ phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Với cơ quan quản lý, yếu tố quan trọng nhất là thị trường phát triển ổn định, an toàn, thông suốt, minh bạch, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương. Là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, TTCK sẽ vận động khách quan theo quy luật của thị trường, quan trọng nhất là chất lượng phát triển, duy trì được thanh khoản, hỗ trợ được doanh nghiệp huy động vốn, khơi thông kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

GDP ước tính năm 2022 vẫn đạt tăng trưởng ở mức 8,02% - thuộc nhóm tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Các cân đối vĩ mô vẫn tiếp tục được bảo đảm: thu ngân sách được giữ vững; nợ công, bội chi ngân sách đảm bảo các chỉ tiêu của Quốc hội; lãi suất, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát. Ngân sách vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và trả nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội.

Riêng với TTCK Việt Nam, năm 2022 có thể nói là một năm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Năm qua, TTCK trải qua nhiều biến động rất mạnh do các “dư chấn” khó lường, ngoài tầm dự báo đến từ cả quốc tế và trong nước. Nhìn một cách khách quan, 2022 cơ bản là một năm vượt khó thành công của TTCK Việt Nam khi vẫn trụ vững trước khó khăn, vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt.

Tôi cho rằng, dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và phải nỗ lực rất lớn để hoàn thiện dần, nhưng TTCK Việt Nam đang phát triển ngày càng ổn định, lành mạnh, bền vững hơn. Quan trọng nhất của TTCK là phải có thanh khoản tốt, vừa phát huy được vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế và doanh nghiệp, vừa chứng minh được là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn cho đại đa số nhà đầu tư chân chính trong nước và quốc tế.

Năm qua, một số vụ việc sai phạm trên TTCK, hoặc có tác động liên quan tới TTCK đã ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đầu tư. Tuy nhiên, dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cho rằng, việc “gạn đục, khơi trong” luôn cần thiết nhằm loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đây cũng là một cách để hướng tới một TTCK phát triển ngày càng minh bạch, lành mạnh, công bằng và bền vững.

LẤY LẠI NIỀM TIN VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ

PV: Cùng với nhiều nguyên nhân khác, thị trường tài chính có chịu sự tác động tiêu cực từ những bất ổn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Mặc dù, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái, giải pháp, nhưng đỉnh “rủi ro” của TPDN riêng lẻ vẫn chưa qua, thậm chí là còn hiện hữu. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về thị trường này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cần khẳng định, thị trường TPDN là một cấu phần quan trọng, có mối quan hệ liên thông với các thị trường khác và không thể thiếu đối với mọi thị trường tài chính. Chẳng hạn như chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các giải pháp để phát triển có hiệu quả thị trường TPDN, bao gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Vì vậy, TPDN vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, là công cụ quan trọng để huy động nguồn lực tài chính từ dân cư để thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

Thực tế, những rủi ro trên thị trường TPDN riêng lẻ đã có manh nha trước năm 2022. Bộ Tài chính đã nhận diện và liên tục đưa ra cảnh báo từ khá sớm đối với các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tham gia; đồng thời, cũng đã có chỉ đạo từ rất sớm yêu cầu các đơn vị chức năng của bộ tăng cường các giải pháp giám sát, thanh kiểm tra, cũng như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền.

Việc phải xử lý các sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ là điều không ai mong muốn, nhưng lại cần thiết để tăng cường kỷ cương, kỷ luật và tăng chất lượng phát triển cho thị trường này.

Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, đó là cùng với các khó khăn về thanh khoản dòng tiền, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường TPDN riêng lẻ suy giảm mạnh trước các vụ việc sai phạm bị xử lý và tin đồn thất thiệt. Hiện tượng bán tháo hoặc ồ ạt rút tiền của nhà đầu tư đã tạo khó khăn rất lớn cho nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang tốt.

Thị trường chứng khoán sẽ phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp của Bộ Tài chính với một số công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngày 23/11/2022. Ảnh: Đức Minh.

PV: Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút trình dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về TPDN riêng lẻ. Bộ trưởng có thể thông tin thêm về sự thay đổi này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thực ra, những quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP là đúng đắn. Nhưng trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, tinh thần sửa đổi của nghị định mới là giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Thị trường TPDN là một cấu phần quan trọng, có mối quan hệ liên thông với các thị trường khác và không thể thiếu đối với mọi thị trường tài chính. Chẳng hạn chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các giải pháp để phát triển có hiệu quả thị trường TPDN, bao gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Vì vậy, TPDN vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, là công cụ quan trọng để huy động nguồn lực tài chính từ dân cư để thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

Dài hơi hơn, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng rà soát các quy định liên quan và trao đổi với các bộ, ngành chức năng khác để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về doanh nghiệp và tiền tệ ngân hàng… Đồng thời, các đơn vị chức năng tham mưu giải pháp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với thực tại thị trường.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán… liên quan tới thị trường này. Mặt khác, tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thống nhất về giải pháp hỗ trợ thị trường TPDN riêng lẻ phát triển đồng bộ, lành mạnh, đúng định hướng.

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp phát hành chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trái phiếu, công bố thông tin minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Ngoài ra, như đã chia sẻ ở trên, chúng ta cần lấy lại niềm tin đối với TPDN riêng lẻ. Vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đào tạo để nhà đầu tư hiểu biết sâu trước khi tham gia thị trường này, tránh tâm lý tẩy chay, kỳ thị TPDN.

Đồng thời, tôi cho rằng, cần tăng cường và phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý khác, đặc biệt tập trung nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, góp phần nâng cao năng lực của nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán sẽ phát triển chất lượng hơn, bền vững hơn
TTCK Việt Nam còn tiềm năng phát triển rất lớn, có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa cho nền kinh tế nước nhà. Ảnh: Duy Dũng.

CHẤT LƯỢNG HƠN, BỀN VỮNG HƠN

PV: Thưa Bộ trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn. Theo Bộ trưởng, chúng ta có thể có đầy đủ cơ sở để khẳng định điều này không?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: TTCK Việt Nam đã chứng minh được định hướng chiến lược phát triển TTCK của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. TTCK còn tiềm năng phát triển rất lớn, có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa cho nền kinh tế nước nhà. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới sự phát triển ổn định, bền vững của TTCK.

Thị trường tài chính nói chung hay TTCK nói riêng đều cơ bản phải trải qua những giai đoạn phát triển theo quy luật thị trường và chúng tôi tin tưởng vào tương lai phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, “hàn thử biểu” của nền kinh tế.

Những khó khăn do Covid-19 gây ra rồi sẽ đi qua và nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn, tăng trưởng chất lượng hơn. Khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, quy mô hơn thì cần có dòng tiền lưu thông tốt. Cốt lõi của nền kinh tế vẫn là sản xuất kinh doanh phải phát triển, năng lực của doanh nghiệp phải ngày càng nâng cao. Đó cũng chính là điều kiện, động lực cho TTCK phát triển tốt hơn.

Vì vậy, mọi hành động của cơ quan quản lý nhà nước là tạo nền tảng trợ giúp doanh nghiệp, hướng đến doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

PV: Vậy chúng ta cần làm gì để khơi dậy tiềm năng của TTCK Việt Nam trong những năm tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dưới sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng thuộc bộ sẽ tiếp tục kiên định, chủ động, sáng tạo, nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất để đưa TTCK phát triển chất lượng, bền vững hơn.

Chúng ta cần chung tay tiếp tục xây dựng giải pháp phát triển TTCK để doanh nghiệp thấy được lợi ích, cơ hội niêm yết, đăng ký giao dịch và nhà đầu tư trong, ngoài nước tin tưởng hơn nữa, yên tâm hơn nữa khi đầu tư.

Đối với ngành Chứng khoán và TTCK, tôi đã yêu cầu thực hiện 10 chữ: “Đoàn kết - Chủ động - Đổi mới - Hiệu quả - Sáng tạo” trong năm nay và thời gian tới. Để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng của TTCK Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta phải ưu tiên, sắp xếp để triển khai, mang lại hiệu quả cao nhất.

Riêng năm nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan ưu tiên thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: hoàn thiện khung pháp lý; tiếp tục tái cấu trúc lại TTCK; tăng chất lượng hàng hóa trên thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy nâng hạng TTCK; tăng cường kỷ cương và kỷ luật thị trường; tăng cường công tác dự báo, đào tạo và thông tin tuyên truyền…

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Duy Thái (thực hiện)