Ngăn tình trạng “tiến độ quy hoạch thời gian mênh mông không bờ bến” Linh động cơ chế để gỡ vướng về quy hoạch Phê duyệt nhiệm vụ lập "Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc" Cần cấp bách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch

Hy vọng là “chiếc cầu nối” nhưng 3 năm sau đã bị giám sát

Chiều 30/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình cho rằng, do thực hiện tích hợp đồng thời các quy hoạch, nên tiến độ lập quy hoạch đến nay rất chậm.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, ông hoàn toàn đồng tình với báo cáo của Đoàn giám sát, rất giá trị, toàn diện và sâu sắc. Có thể thấy giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là chưa từng có tiền lệ, nếu xét về nội dung, tính chất phức tạp và cả phạm vi tác động của nó.

Thiếu “nhạc trưởng” nên quy hoạch tổng thể rất chậm
ĐB Phạm Trọng Nhân: Có 144 luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch được ban hành, chưa có dự án nào được triển khai từ chính luật này.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Trọng Nhân cũng chỉ ra những tồn tại: Sau gần 5 năm thông qua, đến cuối tháng 4 vừa qua chỉ có 7 quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt trong hơn 111 danh mục quy hoạch phải thực hiện. Mặc dù đã có 144 luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch được ban hành, chưa có dự án nào được triển khai từ chính luật này.

“Vì sao Luật Quy hoạch với kỳ vọng là chiếc cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch chỉ mới hơn 3 năm có hiệu lực thi hành thì nay phải chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội” - ĐB đặt vấn đề.

Lý giải sự chậm trễ, ĐB Phạm Trọng Nhân thẳng thắn nói: “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ giải pháp tích hợp quy hoạch mà đến giờ này, dự thảo nghị quyết vẫn tiếp tục giao cho Chính phủ hướng dẫn… Trong thực tế, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tìm tổ chức tư vấn. Hạn định cuối năm nay phải phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng và tỉnh thì việc xây dựng hệ thống dữ liệu đồ sộ như trên sẽ được thực hiện thế nào”.

ĐB cũng nêu con số đáng suy ngẫm: Bên cạnh đó, việc tồn tại gần 20.000 quy hoạch thời kỳ 2010-2020 được kéo dài thời gian điều chỉnh nội dung và được tích hợp cho đến khi quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt thì bộ lọc nào để có thể chạy và rà soát, điều chỉnh, bổ sung và loại bỏ những quy hoạch không phù hợp để thực hiện việc tích hợp?

Nới khung thời gian lập quy hoạch tỉnh sang năm 2023

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân: “Dù muốn hay không thì tất cả các quy hoạch đều đã trễ so với yêu cầu, do đó để tránh việc phải điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện để các địa phương không rơi vào thế chạy đua với thời gian để trình quy hoạch vào cuối năm nay, đồng thời tập trung nguồn lực để lập quy hoạch cấp quốc gia, đề nghị dự thảo bổ sung và nới khung thời gian quy trình lập quy hoạch tỉnh sang năm 2023, thời điểm cụ thể do cơ quan tham mưu xem xét và cân nhắc”.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) băn khoăn cho rằng, khái niệm “quy hoạch tích hợp” hiện nay vẫn chưa biết ra sao. Tích hợp trong quy hoạch phải hiểu là tích hợp từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, ngành này sang ngành khác và cấp này sang cấp khác, thậm chí phải tích hợp cả hiện tại với tương lai.

“Hiện nay còn thiếu nhạc trưởng, ai là người tích hợp giữa các vùng, địa phương để kết nối tốt hơn, quy hoạch đồng bộ, không chồng chéo. Quy hoạch là từ trên làm xuống hay từ dưới làm lên? Luật Quy hoạch cấp quốc gia nhưng lại cho phép làm từ dưới làm lên cũng được, thế bất cập thì làm như thế nào?” - ĐB Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi trước Quốc hội.

ĐB Hoàng Văn Cường đánh giá cao khi thực hiện theo Luật Quy hoạch, đã giảm được hàng trăm các quy định về pháp luật; không chỉ giảm chi phí, công sức mà xóa bỏ tình trạng chồng chéo do tuân thủ nhiều quy định khác nhau về quy hoạch. Luật Quy hoạch cũng đã xóa bỏ tình trạng cát cứ, tự quyết định, xin cho.

Tuy nhiên, đồng tình với các ĐBQH khác, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, việc lập quy hoạch quá chậm, cần làm rõ nguyên nhân, bởi vì nếu phải điều chỉnh, chi phí cho nhà đầu tư thì ai chịu. Nguyên nhân, theo ĐB, không phải hoàn toàn do khiếm khuyết của luật mà chưa hiểu rõ được phương thức tích hợp.

“Tích hợp không phải mà ghép lại mà phải liên kết theo chiều dọc và ngang (không gian lãnh thổ), muốn vậy quá trình phải cùng thực hiện, cùng trao đổi để đi đến 1 phương án thống nhất” - ĐB Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Ông cho rằng, cần thực hiện “2 xuống 1 lên”, nghĩa là quy hoạch từ trên xuống, quy hoạch các ngành và tổng hợp báo cáo từ dưới lên.

“Quy hoạch là phân bổ nguồn lực để đạt các mục tiêu, phải quy hoạch các nguồn lực để phát triển các sản phẩm mà mục tiêu chiến lược đặt ra. Ví như nếu xuất khẩu cà phê thì quy hoạch các vùng trồng cà phê chứ không phải quy hoạch sản xuất bao nhiêu tấn cà phê” - ĐB Hoàng Văn Cường nói.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cũng cho rằng, quy hoạch tổng thể là vấn đề khó, mới và phức tạp. ĐB đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thực hiện công tác quy hoạch. Theo ĐB, hiện các nước tập trung vào 3 loại quy hoạch: quy hoạch sử dụng đất có tính đến không gian ngầm; quy hoạch theo vùng lãnh thổ và quy hoạch các khu đô thị lớn. Việc tập trung 3 loại quy hoạch này gắn với tăng trưởng, biến đổi khí hậu và gắn với chuyển đổi số.

Nhiều ĐB đề nghị cần có cơ chế rõ ràng để quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cũng như cần cơ chế cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin cho người dân và cử tri cả nước biết./.