Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác quy hoạch Cần cấp bách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch Quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, phát triển đô thị Quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Một loạt các quy định được ban hành để triển khai Luật

Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, được đánh giá là điểm nhấn trong công tác giám sát của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Toàn bộ nội dung làm việc của Quốc hội hôm nay 30/5 được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.

Linh động cơ chế để gỡ vướng về quy hoạch
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát trước Quốc hội.

Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát.

Đến nay, các cơ quan đã cơ bản gửi đầy đủ báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, các báo cáo nhìn chung được xây dựng công phu, đánh giá sâu sắc, bám sát đề cương của Đoàn giám sát nhưng cũng có trường hợp báo cáo chưa đầy đủ. Quá trình giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu.

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Về những kết quả chính đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành; kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng (đã giải ngân 19,67%); của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng (đã giải ngân 36,72%).

Vướng đến đâu gỡ đến đó

“Qua giám sát, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Linh động cơ chế để gỡ vướng về quy hoạch
Thực hiện tốt công tác quy hoạch có vai trò quan trọng phát triển đất nước. Ảnh: TL.

Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch...

Phát biểu về vấn đề này trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát phải đến nơi đến chốn, phải rà soát kỹ các nguyên nhân, trách nhiệm tổng thể, cá biệt của các tổ chức, cá nhân và đề xuất xem xét, xử lý.

Phương châm của đoàn giám sát là vướng đến đâu, gỡ đến đó, các cấp, các ngành đã đẩy nhanh tiến độ với tinh thần, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo kết nối, phát triển và bền vững, đảm bảo chất lượng và khả thi.

Phải nói rằng, mục tiêu phát triển quốc gia không bị chia cắt bởi địa giới hành chính, vì lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất của Luật Quy hoạch.

Theo chương trình, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” vào phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3./.