Thống nhất phương thức phù hợp để hướng tới cải cách mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.
Còn băn khoăn về thẩm quyền và phạm vi

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ- TTg trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Sau hơn 1 năm trôi qua từ sau khi bản dự thảo đầu tiên được phát ra, hàng chục lần lấy ý kiến; hàng chục cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức với các bộ, cơ quan, doanh nghiệp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị định. Bộ Tài chính cũng đã chính thức báo cáo, trình Chính phủ 5 lần; họp thường trực Chính phủ 2 lần.

Theo ông Thành, so với dự thảo ban đầu, cơ quan soạn thảo đã liên tục hoàn chỉnh nhiều lần trên tinh thần vẫn bám sát các nội dung cải cách đã được Chính phủ phê duyệt và tiếp thu những ý kiến hợp lý.

Về cơ bản, 22/27 thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn 4 Bộ (Y tế, Khoa học và công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn) vẫn còn ý kiến khác.

Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các đơn vị chuyên môn đến từ các Bộ: Y tế, Khoa học và công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lần lượt nêu những vấn đề khác nhau.

Các vấn đề này chủ yếu tập trung vào lộ trình thực hiện, thẩm quyền của cơ quan hải quan; phạm vi của nghị định; quy định quản lý theo mặt hàng; việc sử dụng mã số công bố hợp quy; việc tự động cập nhật kết quả trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; xin ý kiến Tổ chức Thương mại thế giới…

Đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp thu gần hết hơn 100 ý kiến tham gia của các bộ, ngành, chỉ còn một số vấn đề kỹ thuật chưa thống nhất.

Điều mà hầu hết các ý kiến lo ngại là sự chồng chéo, mâu thuẫn với những văn bản chuyên ngành đang có hiệu lực liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Nguyễn Việt Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) phát biểu, cốt lõi của việc xây dựng nghị định là dựa trên các quy định của luật hiện hành. Bởi vậy, các quy định đưa ra phải đảm bảo đúng các quy định của luật.

Ông Nguyễn Văn Nam – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị định đối với một số nhóm hàng hóa đang vượt quá phạm vi tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Thống nhất phương thức phù hợp để hướng tới cải cách mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý
Đại diện Tổng cục Hải quan cùng các bộ, ngành thảo luận xung quanh các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo.

Cần thống nhất để sớm ban hành đưa vào thực hiện

Giải trình những lo ngại nói trên ngay tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện xây dựng dự thảo nghị định theo đúng trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, trong các phiên họp trước, đa số các thành viên Chính phủ đã thống nhất với nội dung tiếp thu, chỉnh lý và đề xuất của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến biểu quyết thông qua dự thảo nghị định và không có ý kiến khác.

Về câu chuyện “đầu mối”, Thường trực Chính phủ cũng đã nhất trí nguyên tắc thống nhất đầu mối trong hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, nội dung cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra đã được Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ và chỉnh lý tại dự thảo nghị định lần lấy ý kiến thành viên Chính phủ lần 2 như sau: cơ quan kiểm tra không tham gia kiểm tra chất lượng, chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra giảm đúng như quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Việc thực hiện giao cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra, Bộ Tài chính đã đề xuất triển khai ở giai đoạn 2 khi sửa các luật liên quan.

Đa số đại diện các bộ, ngành có mặt muốn có thêm thời gian nghiên cứu dự thảo và gửi văn bản tiếp tục tham gia với cơ quan soạn thảo.

Quán triệt lại nội dung Kết luận của Thường trực Chính phủ cuối tháng 11/2022, đại diện Văn phòng Chính phủ tham dự cuộc họp cho rằng, việc xây dựng dự thảo nghị định này đã kéo thời gian khá dài, những vấn đề “đã rõ, đã chín”, đã được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao thì đưa vào nghị định.

Những vấn đề thực tế có vướng mắc, thực sự cần tháo gỡ thì cần rà soát, xác định các nội dung, phạm vi vấn đề sửa đổi, bổ sung. Tinh thần là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị, nội dung nào có thể thống nhất thì thống nhất ngay. Những vấn đề khác, thay vì tham gia bằng văn bản, mất thời gian, các bộ, ngành có thể trao đổi trực tiếp với cơ quan soạn thảo trên từng điều khoản, từng quy định cụ thể.

Nếu cấp chuyên môn chưa đạt được đồng thuận với cơ quan soạn thảo, chưa đủ thẩm quyền quyết định thì báo cáo lãnh đạo Bộ trao đổi trực tiếp, dứt điểm với lãnh đạo Bộ Tài chính để đi đến thống nhất. Từ đó có cơ sở để Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm ban hành.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần sớm ban hành để thực hiện. Những nội dung vượt quá thẩm quyền quy định của Chính phủ, giao các bộ, ngành rà soát, tổng hợp, đề xuất sửa đổi các luật và các văn bản có liên quan.

Thống nhất phương thức phù hợp để hướng tới cải cách mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, dự thảo nghị định này là một văn bản khó, dù chỉ đưa ra các quy trình thủ tục nhưng tác động rất nhiều đến quá trình cải cách của nhiều đơn vị liên quan.

Trên tinh thần Quyết định số 38/QĐ-TTg, khi xây dựng dự thảo, Bộ Tài chính mà cụ thể là Tổng cục Hải quan mong muốn đặt ra những “bước đi dài” cho công tác cải cách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

“Chính vì ý nghĩa đó, rất mong các bộ, ngành đồng tình với chủ trương, chúng ta phải thực hiện cải cách, cùng nhau tìm ra phương thức, quy trình phù hợp nhất, để hướng tới cải cách mà vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý” – Thứ trưởng nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong quá trình tiếp thu, giải trình, cơ quan soạn thảo đã cố gắng hài hòa các quy định cụ thể với các cơ quan chuyên ngành liên quan. Bởi vậy, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi mong muốn các đơn vị cũng phối hợp, tham gia trên tinh thần đó, với mục tiêu chung là ủng hộ chủ trương cải cách mà Chính phủ đã đặt ra.

Sau cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Hải quan rà soát kỹ từng nội dung, nghiêm túc lắng nghe, đánh giá khách quan các ý kiến để tiếp thu, giải trình các vấn đề được nêu, hoàn chỉnh một bản đầy đủ gửi tới các đơn vị. Đó sẽ là cơ sở để đơn vị chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ các chuyên ngành để có văn bản hồi đáp hoặc thống nhất.