PV: Thưa ông, trong các phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, nhiều đại biểu đặt vấn đề tại sao tình hình kinh tế, doanh nghiệp khó khăn mà thu ngân sách lại tăng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thu ngân sách tăng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế
Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Điều này phải nhìn nhận từ nhiều góc độ. Hai năm vừa qua dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Việt Nam, dĩ nhiên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nhưng dù khó khăn nhưng ta vẫn tăng trưởng, như năm 2020 tăng trưởng 2,9%, năm 2021 tăng trưởng 2,6%. Năm 2021 đã lường trước khó khăn của dịch Covid-19 nên dự toán đưa ra thấp.

Năm 2020 thu ngân sách thực hiện trên 1,5 triệu tỷ đồng, nhưng dự toán năm 2021 chỉ khoảng 1,360 triệu tỷ đồng. Khi thực hiện năm 2021 thì đạt tới 1,568 triệu tỷ đồng, do đó mới vượt dự toán 16,8%. Song nếu so với lúc chưa có dịch thì cũng chưa bằng mà chỉ cao hơn dự toán và cao so với mức thu năm 2020 là 3,8%. Mà năm 2021 ta vẫn tăng trưởng 2,6%, nên thu ngân sách tăng 3,8% thì cũng tương thích.

Bên cạnh đó, chúng ta chống thất thu thuế tốt, như đã rà soát, yêu cầu kê khai lại cho chính xác với các giao dịch chuyển nhượng nhà đất nên đã tăng thu. Giá dầu thô cũng tăng gấp đôi so với dự toán, nên thu từ dầu thô tăng. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 20%, giá hàng hóa xuất nhập khẩu cũng tăng nên thu từ thuế xuất nhập khẩu cũng tăng khá.

Hay là lâu nay thương mại điện tử, kinh tế số chúng ta chưa thu được nhiều nhưng nay đã thu được đáng kể. Ngoài ra, năm 2021, hoạt động kinh doanh chứng khoán rất sôi động, số nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh, khối lượng giao dịch lớn, nên đây cũng là nguồn tăng thu cho dù nền kinh tế khó khăn. Mặc dù nhiều hoạt động kinh doanh không tốt, nhưng vẫn có những ngành nghề tăng trưởng tốt nên kinh tế mới tăng trưởng.

Đây là những điểm ta phải hết sức lưu ý. 5 tháng đầu năm nay chúng ta đã thu 54 - 55% dự toán cũng là do dự toán đã lường trước khó khăn nhưng bởi kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt, kinh tế phục hồi nhanh, du lịch vào nhiều, dịch vụ bán lẻ tăng nên nguồn thu ngân sách tăng, giá dầu thô lại tăng tiếp và nhiều giá khác tăng nên việc nguồn thu ngân sách tăng là có cơ sở.

PV: Trong phần thảo luận, nỗi lo lạm phát cũng được đề cập đến nhiều. Theo ông, lúc này cần những giải pháp gì để kiềm chế được lạm phát?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý. Nếu tới đây chúng ta không có những giải pháp kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách đồng bộ thì lạm phát sẽ bùng lên. Khi lạm phát bùng lên thì chi ngân sách sẽ phải rất căn cơ, thậm chí có lúc phải thắt chặt, nếu không kiểm soát được lạm phát.

Cho nên, tôi cho rằng với nguồn thu tăng trên, Chính phủ nên trình Quốc hội hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn, người lao động thu nhập thấp… để đảm bảo an sinh. Cũng có thể dùng nguồn thu đó để giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó ưu tiên giảm thuế xăng dầu để hạn chế ảnh hưởng domino đến các loại giá hàng hóa khác. Bởi nếu lạm phát tăng thì chi ngân sách tăng, chi đầu tư công, chi thường xuyên cũng tăng, nên thà ta chi trước để các khoản chi khác không tăng lên. Cùng với đó, phối hợp với chính sách tiền tệ.

Nguồn: Bộ Tài chính  Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Hiện nay lạm phát không phải do ta mở rộng tiền tệ, gói kích cầu đang giải ngân rất chậm, mà đây là lạm phát do chi phí đẩy, không phải do cầu kéo (do tổng cầu tăng lên). Mà trong chi phí đẩy thì chi phí xăng dầu, lưu thông là quan trọng nhất nên ta cần hỗ trợ để giảm chi phí đẩy, kiểm soát lạm phát. Đây là bài toán cần lưu ý. Những công cụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được ưu tiên, đẩy nhanh bên cạnh hỗ trợ an sinh xã hội.

Trong chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần làm sao giữ được ổn định lãi suất cho vay, đồng thời triển khai nhanh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 về hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội… Những chính sách này kết hợp lại sẽ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức và có điều kiện tăng tốc. Bởi theo tôi, Việt Nam chưa bao giờ có được nhiều thời cơ, điềm lành như hiện nay để bứt phá, phát triển.

PV: Vì sao ông lại cho rằng Việt Nam chưa bao giờ có nhiều thời cơ, điềm lành như hiện nay?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: So với các nước, Việt Nam là nước đang mở cửa nhanh nhất, điểm đến thu hút khách du lịch tăng trong tốp đầu của thế giới. Chúng ta cũng vừa tổ chức SEA Game 31 thành công vượt mong đợi. Mọi môn thi đấu đều được khán giả cổ vũ nhiệt tình, đông đúc, tạo hình ảnh thân thiện đối với các vận động viên, cổ động viên đến tham gia. Việt Nam đứng đầu về số huy chương vàng, đặc biệt là đạt huy chương vàng ở cả bóng đá nam và bóng đá nữ. Trong hình ảnh của thế giới, Việt Nam là đất nước bình yên, thân thiện... Giá trị thương hiệu của Việt Nam không cần quảng cáo mà đã được tự quảng bá qua báo chí, hình ảnh các cổ động viên.

Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng Việt Nam lên BB+, đây là những dấu hiệu rất tốt về triển vọng dài hạn. Đánh giá của S&P dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó có uy tín của Chính phủ trong việc bảo lãnh nợ, trong quản lý nợ công. Quan trọng hơn là vừa qua chúng ta đã có những bước đi làm trong sạch, tăng sự minh bạch trên thị trường tài chính, thị trường chứng khoán như yêu cầu công khai các giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán…

Tất cả những điều này như một sự hài hòa về vận mệnh, mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Đến nay, hầu hết các dự báo vẫn rất lạc quan về kinh tế Việt Nam. Một nỗi lo hiện nay là xung đột Ukraine và Nga gây khủng hoảng năng lượng, lương thực, đói nghèo… thì ta cũng đã có những công cụ, lợi thế để kiểm soát như nguồn lương thực dồi dào, có nguồn dầu thô xuất khẩu. Do đó, để không bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta phải nhanh chóng kiểm soát, có giải pháp sớm không để bão giá xuất hiện, nếu không lạm phát xảy ra sẽ “vỡ trận”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kết hợp đồng bộ chính sách tài khoá - tiền tệ

Nếu tới đây chúng ta không có những giải pháp kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách đồng bộ thì lạm phát sẽ bùng lên. Khi lạm phát bùng lên thì chi ngân sách sẽ phải rất căn cơ, thậm chí có lúc phải thắt chặt, nếu không kiểm soát được lạm phát. Cho nên, tôi cho rằng với nguồn thu tăng trên, Chính phủ nên trình Quốc hội hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn, người lao động thu nhập thấp… để đảm bảo an sinh.

* Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường:

Thu ngân sách tăng là nỗ lực cần được đánh giá, ghi nhận

Trong bối cảnh năm 2021 dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, kết quả thu ngân sách trên cả nước trong năm qua cũng như các địa phương như Hà Nội có nhiều nỗ lực cần được đánh giá, ghi nhận.

Thu ngân sách tăng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Để có được thành công như ngày hôm nay là nhờ có sự vượt thu. Do vậy, mặc dù chúng ta phải tăng nhiều khoản để chi cho phát sinh trong phòng, chống dịch như các gói hỗ trợ an sinh cho người lao động nhưng bội chi ngân sách lại thấp hơn kế hoạch, giúp nợ công được kiểm soát. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới, nâng hạng tín nhiệm Việt Nam với triển vọng ổn định.

Trong thời gian tới, chúng ta cần phải tiếp tục kiểm soát nợ công, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, tất cả các giải pháp để có thể tăng được nguồn thu ngân sách đều cần coi trọng và huy động. Việc tăng thu từ thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng các biện pháp kiểm soát giá nộp thuế đất sát với giá giao dịch trên thị trường trong bối cảnh thị trường bất động sản tăng trưởng nóng không chỉ góp phần tăng nguồn thu ngân sách mà còn còn tác dụng hạn chế đầu cơ đất đai thông qua mua đi bán lại.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng khai thác dầu và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với thời điểm khai thác giá dầu thấp, còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá nhạy cảm với giá xăng dầu thế giới khi chúng ta nhập khẩu.

* Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc:

Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào các “gói hỗ trợ thể chế”

Giải pháp miễn, giãn, giảm thuế phí, đẩy mạnh đầu tư công, cơ cấu lại các khoản vay, cấp bù lãi suất, kèm theo các yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã bước đầu khơi thông các nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục đà tăng trưởng.

Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ có các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, như giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông…

Thu ngân sách tăng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ liên tục giao các bộ, ngành thiết kế các chính sách hỗ trợ. Giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng được đánh giá là rất hợp tình, hợp lý. Nhiều chính sách giãn, giảm thuế phí, lệ phí đã tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, khiến đông đảo doanh nghiệp yên tâm, đồng hành cùng Chính phủ.

Như thời gian qua, Chính phủ quyết định giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là rất hữu ích, như “mũi tên trúng hai đích”, vừa giúp cho các hộ kinh doanh, vừa hỗ trợ lực lượng lao động bởi khu vực hộ kinh doanh có đóng góp tới 30% GDP nên có ảnh hưởng lớn tới xã hội. Tôi cho rằng, đề xuất giảm thuế cho khu vực này là một sự đột phá về mặt chính sách, thể hiện Chính phủ không chỉ quan tâm các doanh nghiệp lớn mà còn cả hộ cá nhân kinh doanh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Các doanh nghiệp cũng hiểu rằng, với ngân sách hạn hẹp hiện nay, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ không còn nhiều để bảo đảm giữ các cân đối lớn của nền kinh tế. Không thể kỳ vọng Việt Nam có thể so sánh với các nước giàu với ngân sách dồi dào, sẵn sàng bơm hàng nghìn tỷ USD khôi phục kinh tế. Về lâu dài, giải pháp tháo gỡ hiện nay là cải cách thể chế, đây chính là “gói hỗ trợ” còn dư địa lớn nhất với nhiều kỳ vọng từ các doanh nghiệp.