tien

Sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giúp giảm bớt tình trạng đô la hoá hiện nay nhiều nước gặp phải.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Huy Hoàng – Giảng viên cao cấp Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, trong tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23 (AFMGM+3) diễn ra mới đây đã đưa ra 5 sáng kiến mới trong khuôn khổ Định hướng chiến lược Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3, trong đó có sáng kiến thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ (ĐNT) của các nước thành viên cho thanh toán thương mại. Theo ông, sáng kiến này sẽ đem lại những lợi ích như thế nào?

- Ông Trần Huy Hoàng: Thúc đẩy sử dụng ĐNT cho thanh toán thương mại sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cả ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp (DN).

hoang
Ông Trần Huy Hoàng

Trước hết, ở góc độ DN, DN nhập khẩu sẽ không phải đối mặt với tình trạng căng thẳng ngoại tệ khi đến hạn thanh toán thường diễn ra vào cuối năm, hoặc DN xuất khẩu sẽ không gặp phải tình trạng khó khăn trong việc bán ngoại tệ khi xảy ra tình trạng dư thừa ngoại tệ trong nước. Những tình trạng này các DN Việt Nam đã từng gặp phải, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO thời điểm năm 2008, khi chúng ta phải tiếp nhận sự vào ra của các dòng vốn của nước ngoài đột biến và bất thường. Bên cạnh đó, các DN khi dùng ngoại tệ mạnh thanh toán thường gặp rủi ro về tỷ giá, do đó, nếu dùng ĐNT thanh toán thì sẽ giảm thiểu rủi ro này.

Ngoài ra, các DN sẽ hạn chế các khoản vay trong nước bằng ngoại tệ do các quy định của Nhà nước cũng như khi ĐNT được nâng cao vị thế, thì chi phí vay giữa ĐNT và ngoại tệ sẽ được rút ngắn khoảng cách. Việc vay nội tệ giúp các DN không phải lo lắng nguồn ngoại tệ chi trả cho ngân hàng và tỷ giá biến động khi đến hạn trả nợ.

Ở góc độ quốc gia, việc thúc đẩy sử dụng ĐNT cho thanh toán thương mại cũng mang rất nhiều lợi ích. Trước hết, giúp gia tăng tính chủ quyền về tiền tệ của ĐNT, ĐNT được sử dụng trong thanh toán quốc tế nhiều hơn, làm cho vị thế của ĐNT sẽ được nâng cao trên thị trường ngoại hối. Thứ hai, giúp giảm bớt tình trạng đô la hoá hiện nay mà tất cả các nền kinh tế đang gặp phải. Hiện tượng đô la hoá gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá, làm tăng hiện tượng đầu cơ, bóp méo cung cầu ngoại tệ. Thứ ba, tăng khả năng chuyển đổi của đồng tiền, giúp cho nền kinh tế không còn phụ thuộc vào sự biến động của đồng Đô la Mỹ như trước đây. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, hoặc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, khủng hoảng sẽ có những hiệu ứng lan toả đến kinh tế các quốc gia có tỷ giá neo vào USD. Thứ tư, giúp thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tạo vị thế cho quốc gia trên thị trường quốc tế. Thứ năm, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá khi cung cầu về nội tệ - ngoại tệ của thị trường được phản ánh một cách chính xác hơn…

* PV: Vậy đâu là những cơ hội và thách thức trong việc sử dụng ĐNT cho thanh toán thương mại, thưa ông?

- Ông Trần Huy Hoàng: Về cơ hội có thể thấy, sử dụng ĐNT cho thanh toán thương mại sẽ thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của đồng bản tệ. Qua đó, phát triển được hệ thống tài chính ngân hàng của các nước. Cùng với đó là gia tăng tính liên kết, hội nhập giữa các nước trong khu vực. Sử dụng ĐNT trong thanh toán thương mại giúp cho các nước cùng hỗ trợ nhau, nâng cao vị thế đồng tiền của các nước trong khu vực…

Bên cạnh đó cũng có một số thách thức như, tăng trưởng kinh tế của hầu hết các nước trong khu vực chưa thực sự bền vững, vị thế của ĐNT còn yếu trên thị trường quốc tế. Mặt khác, hệ thống ngân hàng - tài chính còn kém phát triển và hoạt động chưa đồng bộ, hiệu quả, khiến cho quá trình thực hiện các giao dịch thanh toán bằng nội tệ sẽ không thuận lợi. Ngoài ra, hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa có nhiều những chính sách cụ thể thúc đẩy quá trình sử dụng ĐNT trong thanh toán thương mại cũng như chế tài nhằm giảm tình trạng đô la hoá….

* PV: Để thúc đẩy sử dụng ĐNT cho thanh toán thương mại, theo ông, Chính phủ các nước thành viên ASEAN cần chú trọng vào những vấn đề gì?

- Ông Trần Huy Hoàng: Sử dụng ĐNT cho thanh toán thương mại phụ thuộc vào sự ổn định về giá trị và sự thuận tiện khi sử dụng đồng tiền làm phương tiện trong các giao dịch thương mại, tài chính quốc tế, nên cần chú trọng vào những vấn đề sau. Trước hết, Chính phủ các nước cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước, qua đó tạo tiền đề và điều kiện cần thiết để nâng cao giá trị của ĐNT. Bên cạnh đó, cần phối hợp thực hiện tốt giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, từ đó gia tăng vị thế cho ĐNT. Ngoài ra, cần đảm bảo hành lang pháp lý ổn định và thông thoáng, song hành với phát triển hệ thống các định chế tài chính, nhằm tạo cơ sở cho các giao dịch tiền tệ được thực hiện một cách thuận lợi với chi phí thấp…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Gia tăng liên kết giữa các nước

Sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại sẽ thúc đẩy sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của đồng bản tệ. Qua đó, phát triển được hệ thống tài chính ngân hàng của các nước. Cùng với đó là gia tăng tính liên kết, hội nhập giữa các nước trong khu vực. Sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giúp cho các nước cùng hỗ trợ nhau, nâng cao vị thế đồng tiền của các nước trong khu vực…

Diệu Thiện (thực hiện)