Việt Nam sẽ là Hub quan trọng thuộc mạng lưới WLP.
Việt Nam sẽ là Hub quan trọng thuộc mạng lưới WLP.

Tạo điều kiện thương mại cạnh tranh

Với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực, Việt Nam được đánh giá sẽ là trung tâm logistics và thương mại của khu vực (Hub) quan trọng thuộc mạng lưới hộ chiếu logistics thế giới (WLP). Tham gia WLP, đồng nghĩa với việc thúc đẩy hơn nữa thương mại với đối tác Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), qua đó hướng tới các đối tác khác ở khu vực vùng vịnh.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa, WLP là chương trình khách hàng trung thành vận chuyển hàng hóa toàn cầu, mang lại lợi ích tài chính và phi tài chính cho thương nhân, nhà giao nhận vận tải và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần để tăng cường giao dịch thông qua các đối tác chiến lược bao gồm cảng, sân bay, hãng hàng không và hải quan.

WLP hiện đã được mở rộng ra hơn 48 quốc gia ở khắp các châu lục với hơn 29 Hub, hơn 15 tuyến thương mại phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Mạng trung tâm WLP chiếm 47% thương mại thế giới và hơn 120 đối tác trên toàn thế giới.

“Đến nay đã có 22 nhà cung cấp dịch vụ logistics đăng ký là thành viên của WLP tại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng rằng WLP sẽ giúp phát triển thương mại giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới trước những cơ hội từ các FTA mới của đất nước. Về phần mình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để Chương trình WLP này thành công tại Việt Nam” - ông Khoa nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về lợi ích, ông Abdulla Alsuwaidi - Giám đốc Hubs và Đối tác toàn cầu của WLP cho biết, WLP là một mạng lưới thương mại đa phương, hướng tới hoạt động thương mại qua biên giới.

Sở hữu “cuốn hộ chiếu” này, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo điều kiện thương mại cạnh tranh trên các tuyến luồng WLP, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới.

Cùng với đó, WLP đang lựa chọn các đối tác một cách chiến lược dọc hành trình chuỗi cung ứng và logistics nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất nhập khẩu đa dạng các giữa các Hub; đồng thời, tăng hiệu quả chuỗi cung ứng và tiết kiệm thời gian cho việc giao hàng.

Cũng theo ông Abdulla Alsuwaidi, Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp và thuận lợi để xây dựng trung tâm logistics ở khu vực Đông Nam Á với hệ thống kho bãi, cảng biển, đường cao tốc ngày càng cải thiện. Sự phát triển của logistics cũng tạo điều kiện để Việt Nam hình thành khu sản xuất mới trong khu vực, có năng lực để xuất khẩu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietjet đánh giá, tham gia WLP mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Ví dụ như với vận chuyển hàng hóa đường không, khi gia nhập WLP, hãng có thể kết hợp cùng hãng Emirates SkyCargo, chuyển tải hàng hóa sang Hub Dubai rồi từ đây đi châu Âu, Mỹ - là các thị trường mà Vietjet chưa có đường bay tới.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ký kết đối tác với WLP.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ký kết trở thành đối tác với WLP.

Áp lực giảm thời gian thông quan

Tuy nhiều lợi ích, song thách thức cũng không ít khi áp dụng chương trình vào thực tiễn tại Việt Nam. Dẫn chứng, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề cập vấn đề giá cả. Cụ thể, giá nâng hạ container so với phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng tại Việt Nam đang ở mức rất thấp so với thế giới, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Đơn cử, hãng tàu thu phí từ chủ hàng khoảng 115-140 USD/container 40 feet. Sau đó, hãng tàu trả lại phí nâng hạ cho cảng biển khoảng 52 USD/container, tương đương khoảng gần 30% phí đã thu. Hiện, tỷ lệ này tại Singapore lên tới 80%; tại Campuchia là 60%.

Do đó, các Hub trên thế giới với mức giá nâng hạ cao, có thể giảm giá, hỗ trợ đối tác trong chương trình WLP. Trong khi đó, Hub tại Việt Nam có mức giá nâng hạ thấp, khó có thể giảm thêm. Chưa kể, pháp luật hiện hành có quy định mức sàn, trần về dịch vụ bốc dỡ container tại cảng Việt Nam. Nếu giảm giá xuống quá thấp sẽ “chạm” luật.

"Đây thực sự là thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam vì họ đã phải đầu tư hàng trăm triệu USD cho cầu cảng nhưng mức phí thu về quá thấp. Do đó, Chính phủ đang nghiên cứu để nâng mức phí sàn tại các cảng biển Việt Nam" - ông Trung nói. Đồng thời cho rằng, bên cạnh hướng tới cắt, giảm chi phí nâng hạ, WLP tại Việt Nam cần giảm chi phí ở các khâu khác.

Bên cạnh đó, trong dòng chảy thương mại của WLP, hoạt động thông quan đóng vai trò rất quan trọng để cơ chế hàng chuyển cảng càng thuận lợi, càng tốt.

Hiện, thống kê trung bình, thời gian thông quan hàng tại cảng Việt Nam đang ở mức 52 tiếng. Cơ quan hải quan đặt mục tiêu giảm xuống còn 50 tiếng trong năm 2023. Việc áp dụng chương trình WLP, việc cải cách các thủ tục trong quá trình thông quan cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Có 9 doanh nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận đối tác triển khai WLP gồm: Cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT); Cảng Gemadept; Cảng Lotus; Sotrans Logistics, T&MForwarding, Asean Cargo Gateway, Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air)… Ngoài ra, còn có 22 doanh nghiệp thuộc VLA đã đăng ký hội viên WLP.