Kết quả kiểm kê là nguồn thông tin quan trọng để hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý TSC luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng TSC ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng kiểm kê để xác định thực trạng tài sản công trên phạm vi cả nước
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng. Ảnh: Đức Minh

Cũng theo Thứ trưởng, kiểm kê là một trong các nội dung quản lý về TSC và phải được thực hiện định kỳ, vào cuối mỗi năm. Tuy nhiên, với quy mô tổng kiểm kê trên phạm vi cả nước thì đây mới là lần thứ 2 thực hiện. Đợt tổng kiểm kê lần đầu là vào năm 1998 và chỉ thực hiện tổng kiểm kê tài sản khu vực hành chính sự nghiệp.

Đợt tổng kiểm kê TSC lần này sẽ tập trung vào 2 loại tài sản có ảnh hưởng lớn nhất tới nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp; TSKCHT phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Cho biết thêm về ý nghĩa của việc tổng kiểm kê TSC, Thứ trưởng cho biết, việc thực hiện tổng kiểm kê TSC lần này xuất phát từ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng TSC.

Cụ thể, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã xác định: Kiểm kê, đánh giá đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn trong từng thời kỳ. Do đó, thông qua tổng kiểm kê TSC đợt này cũng là một trong các giải pháp để thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39.

Tổng kiểm kê để xác định thực trạng tài sản công trên phạm vi cả nước
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Đồng thời, theo thông lệ quốc tế, từ năm 2018, Bộ Tài chính đã được Quốc hội giao thực hiện xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước để làm cơ sở thực hiện điều hành nền kinh tế. Trong đó, chỉ tiêu về TSC là một trong các chỉ tiêu quan trọng của Báo cáo Tài chính nhà nước. Tuy nhiên, các số liệu về giá trị TSC trong Báo cáo tài chính nhà nước còn chưa tương xứng với số tiền chi đầu tư phát triển hàng năm đã bỏ ra để hình thành nên tài sản. Theo đó, Thứ trưởng khẳng định, kết quả của đợt tổng kiểm kê này sẽ là nguồn thông tin quan trọng để phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo tài chính nhà nước.

Việc khó - Đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thông tin các nội dung cơ bản về tổng kiểm kê đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã nêu rõ 5 quan điểm chính cần lưu ý trong triển khai tổng kiểm kê toàn quốc.

Tổng kiểm kê để xác định thực trạng tài sản công trên phạm vi cả nước
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Cụ thể, việc tổng kiểm kê phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Tài sản thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê, tổng hợp số liệu để báo cáo tổng hợp chung. Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Việc kiểm kê được thực hiện theo chỉ tiêu hiện vật và giá trị của tài sản, ghi nhận hiện trạng quản lý, sử dụng đối với TSC tại thời điểm kiểm kê.

Các tài sản có sự trùng lắp về cách phân loại giữa các loại tài sản thuộc phạm vi kiểm kê thì chỉ xếp vào một loại tài sản để kiểm kê.

Những TSKCHT thuộc phạm vi giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng tại thời điểm kiểm kê chưa chuyển giao cho doanh nghiệp thì thực hiện kiểm kê theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của việc tổng kiểm kê đợt này là phải xác định thực trạng cả về hiện vật và giá trị để trả lời câu hỏi của Quốc hội, số tiền đã chi cho đầu tư phát triển hàng năm của Nhà nước đã hình thành nên những tài sản gì, ở lĩnh vực nào và thực trạng ra sao. Từ đó, xác định rõ nguồn lực phục vụ cho việc xây dựng các kế hoạch, chiến lược, giải pháp cho công tác quản lý, sử dụng tài sản công cũng như cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Đồng thời, xác định được những nội dung được và chưa được trong công tác quản lý để chấn chỉnh, cũng như thông qua tổng kiểm kê để xác định các vấn đề về cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu để đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý công sản đã làm rõ thêm một số nội dung về phạm vi TSC thực hiện kiểm kê. Theo đó, TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định gồm: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (bao gồm cả quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp); ô tô; tài sản cố định đặc thù; tài sản cố định khác.

TSKCHT bao gồm: Hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải); hạ tầng cấp nước sạch; hạ tầng thủy lợi; hạ tầng thương mại là chợ; hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp…

Tại hội nghị, các báo cáo viên đến từ Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cũng thực hiện việc hướng dẫn kê khai các mẫu biểu tổng kiểm kê TSC; cách kê khai thông tin đơn vị kiểm kê; cách kê khai chỉ tiêu kiểm kê; xác định giá trị tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được theo dõi trên sổ kế toán…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, tổng kiểm kê TSC là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với lực lượng nòng cốt là cơ quan quản lý TSC các cấp.

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu: “Các đơn vị phải kiểm kê tỉ mỉ kỹ lưỡng để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực TSC. Đồng thời chung tay với Bộ Tài chính để có được kết quả tổng kiểm kê chính xác nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng sẽ thành lập bộ phận thường trực tại Cục Quản lý công sản để hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện tổng kiểm kê.