Thu ngân sách đạt kết quả khả quan

Theo số liệu từ UBND TP. Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng năm 2022 ước thực hiện 223,1 nghìn tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán pháp lệnh, tăng trưởng 10,5% (so sánh với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, thu nội địa 203,8 nghìn tỷ đồng, đạt 70,6% dự toán và tăng 9,2%; thu từ dầu thô 2,2 nghìn tỷ đồng, đạt 203,6% dự toán và gấp 2,5 lần cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 77,9% và tăng 18,4%...

Chi ngân sách địa phương 8 tháng năm 2022 ước thực hiện 43,1 nghìn tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán năm và tăng 10,1%. Trong đó, chi đầu tư phát triển 15,3 nghìn tỷ đồng, đạt 30% dự toán và tăng 18,1%; chi thường xuyên 27,5 nghìn tỷ đồng, đạt 51,5% và tăng 4,9%.

Như vậy, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng đạt kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2021. Ngân sách thành phố vẫn bảo đảm kinh phí hoạt động của các cấp, các ngành, thực hiện chính sách an sinh xã hội; phòng chống, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; giải quyết các vấn đề dân sinh và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Người nộp thuế làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Minh Nhật
Người nộp thuế làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Minh Nhật

Thu ngân sách đạt cao do thời gian qua kinh tế trên địa bàn phục hồi mạnh, với tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 7,79%. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành đã cố gắng với trách nhiệm cao thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách. Đơn cử, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên theo dõi, bám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn để quản lý chặt chẽ nguồn thu; đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp, người nộp thuế duy trì, ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách…

Tuy nhiên, một số khoản thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, nhất là khoản thu về nhà, đất, thu đấu giá quyền sử dụng đất trong 8 tháng đạt 11.055 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp. Một số đơn vị dự toán chưa chủ động triển khai nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến hết ngày 20/8 là 40.309 tỷ đồng, mới đạt 37,7% dự toán năm và bằng 106,6% so với cùng kỳ.

Phân cấp, ủy quyền cho địa phương đảm bảo nguồn thu

Dự báo, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội năm 2022 ước thực hiện là 342.365 tỷ đồng, đạt 109,9% dự toán, bằng 105,8% so với thực hiện năm 2021. Để phấn đấu đạt mục tiêu này, mới đây Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2022. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, thành phố cải thiện các khoản thu còn thấp như thu từ nhà, đất và bổ sung thêm nhiệm vụ bảo đảm ổn định ngân sách 3 năm; bảo đảm tỷ lệ điều tiết ngân sách tương ứng với phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; khai thác nguồn thu từ tài sản công. Đặc biệt, thành phố cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhất là thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, qua đó đảm bảo nguồn thu bền vững.

Dự kiến thu khoảng 3.106 tỷ đồng từ đấu giá đất

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ đấu giá khoảng 1.561,42ha đất tại 634 dự án. Theo đó, tổng số tiền dự kiến thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chỉ tiêu năm 2022, trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng). Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, từ nay đến cuối năm, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá quyền sử dụng đất, việc định giá đất, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

"Số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh ở các địa phương rất lớn, nhiều hộ mong muốn phát triển thành doanh nghiệp. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp khuyến khích chuyển đổi, vừa giúp người dân mở rộng sản xuất, vừa tăng thu cho thành phố. Thành phố cũng cần tháo gỡ thủ tục hành chính để thúc đẩy tiến độ đấu giá đất, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương; triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án theo Nghị định số 25/2020-NQ/CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến gợi ý tại buổi làm việc.

Phía chính quyền thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong các tháng cuối năm, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm mục tiêu thu ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản; trước mắt, tập trung tháo gỡ vướng mắc về giá, phân cấp và thủ tục hành chính để đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu đồng đều cho các quận, huyện, thị xã. Đồng thời, chính quyền thành phố sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu cho thành phố về lâu về dài.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo, trên cơ sở Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”, UBND thành phố chỉ đạo việc cụ thể hóa các nội dung về tài chính, ngân sách để thực hiện phù hợp với thực tiễn của Thủ đô. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; làm tốt những nội dung sẽ trình ra kỳ họp HĐND thành phố sắp tới; lấy đây là cơ sở bước đầu để tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tỷ lệ điều tiết ngân sách trung ương cho thành phố, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan thành phố phải nghiên cứu kỹ các nội dung văn bản của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ làm cơ sở báo cáo, đề xuất với Trung ương về tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp, tạo điều kiện cho Thủ đô tăng cường đầu tư phát triển.

Thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn Hà Nội phục hồi tích cực

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 8/2022, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, có nhiều khởi sắc nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của thành phố trong việc giảm giá bán lẻ xăng, dầu; bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; kiềm chế lạm phát, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên thị trường...

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 73,3%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và gấp 11,6 lần cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và gấp 3,8 lần cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 288,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng mức và tăng 18,4%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 56,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và gấp 2,1 lần cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,9% và gấp 4,1 lần cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 97 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,5% và tăng 26,1%.