TP. Hồ Chí Minh: Liên tiếp phát hiện, xử lý hàng hóa vi phạm số lượng lớn
Lực lượng QLTT kiểm tra tang vật hàng hóa vi phạm. Ảnh: S.Nam

Trong khoảng thời gian từ 19/12/2023 đến 23/12/2023, Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP.HCM phối hợp cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.HCM) tiến hành kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh, điểm chứa trữ hàng hóa, tạm giữ 89.651 đơn vị sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trị giá 1,6 tỷ đồng.

Cụ thể: Ngày 23/12/2023, tại hộ kinh doanh trên địa bàn phường 16, quận 8, đoàn kiểm tra phát hiện 23.276 đơn vị sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm ngoại nhập các loại, không có hóa đơn chứng từ trị giá 706 triệu đồng.

Trên địa bàn phường 5, quận 11, ngày 21/12/2023, kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa, đoàn kiểm tra phát hiện 1.906 bộ nhông sên dĩa, bố thắng hiệu NPC, xuất xứ Thái Lan, không có hóa đơn chứng từ trị giá 97,9 triệu đồng.

Ngày 20/12/2023, kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn phường 2, quận 5. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 218 đơn vị sản phẩm là giày, dép có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Louis Vuitton, Hermes, Gucci không có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc hàng hóa, trị giá 83,5 triệu đồng.

Cùng ngày, cũng trên địa bàn quận 5, kiểm tra hộ kinh doanh tại phường 8, đoàn kiểm tra phát hiện 200 đơn vị sản phẩm là giày, dép, túi xách có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuiton, Gucci không có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc hàng hóa, trị giá 95 triệu đồng.

Trước đó, ngày 19/12/2023, trên địa bàn phường 10, quận 6, tại điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa, đoàn kiểm tra phát hiện 40.435 đơn vị sản phẩm là dụng cụ, phụ kiện làm móng tay, móng chân không rõ xuất xứ, trị giá 421,9 triệu đồng. Kiểm tra một hộ kinh doanh khác trên cùng địa bàn, đoàn kiểm tra phát hiện 23.616 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng; không rõ xuất xứ trị giá 270,6 triệu đồng.

Toàn bộ số hàng hóa nêu trên đã bị Đội QLTT số 2 tiến hành tạm giữ để xử lý theo quy định.

Dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều vào tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Những hàng hóa này với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, hình thức sẽ đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, tuy nhiên đi kèm với đó sẽ là những hậu quả về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa không đảm bảo.