Cơ hội từ phát triển thị trường tín chỉ carbon

Tại hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh" diễn ra sáng 20/4, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh thì thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước được thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển thị trường tín chỉ carbon mang lại cơ hội thu hút nhà đầu tư

Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh” và công bố dự án “Việt Nam Xanh” được tổ chức vào sáng ngày 20/4, tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Định

Theo đó, các dự án tiềm năng tạo tín chỉ như: Nâng cấp lên đèn đường LED; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn; trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà được xác định là tài sản công và tư nhân… đã được đề xuất.

Ông Thắng cho rằng, việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn thành phố mang đến nhiều cơ hội.

Một là, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, điều này không chỉ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mà còn giúp cộng đồng sống trong môi trường sạch hơn.

Hai là, cơ hội thu hút đầu tư, mua bán tín chỉ carbon sẽ mở ra cánh cửa mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy các dự án xanh và tạo ra việc làm mới. TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.

Ba là, nâng cao vị thế quốc tế, TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành trung tâm cho các hoạt động liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, đồng thời thu hút sự chú ý và hợp tác quốc tế.

Theo ông Thắng, đi cùng cơ hội thu lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon thì cũng có những thách thức, đặc biệt trong khối công. Trong đó, việc thiếu hành lang pháp lý chi tiết cho các hoạt động tính toán, đánh giá và thẩm định tín chỉ carbon cản trở việc thực hiện hiệu quả.

"Hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài, nên việc đánh giá và giao dịch tín chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị và sự chủ động của các dự án trong nước" - ông Thắng chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện thiếu một môi trường mua bán rộng rãi và hiệu quả, đặc biệt là kết nối với các thị trường quốc tế, nơi tín chỉ có thể được bán với giá cao.

Ông Thắng cho hay, các thách thức này đang được Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở ngành phối hợp với các bộ ngành tích cực tháo gỡ.

"Để triển khai hiệu quả chương trình thí điểm xây dựng cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, rất cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các bộ chuyên ngành để xử lý các vướng mắc và thách thức nêu trên" - ông Thắng nói.

Việt Nam chỉ bán 5 USD/tín chỉ carbon là đắt hay rẻ?

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra một vấn đề được dư luận quan tâm, đó là giá tín chỉ carbon.

Hiện Việt Nam chỉ bán được 5 USD một tín chỉ carbon, trong khi châu Âu bán 100 USD. Lý giải điều này, ông Minh cho rằng, ở châu Âu bán theo hình thức trao đổi đơn vị hạn ngạch tấn CO2, chứ không phải tín chỉ carbon. Còn Việt Nam là tín chỉ carbon tự nguyện.

"Tín chỉ carbon về cơ bản chủ yếu giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện, giá gần đây tôi kiểm tra chỉ dao động từ 1-2 USD tùy loại tín chỉ carbon" - ông Minh thông tin thêm.

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển thị trường tín chỉ carbon mang lại cơ hội thu hút nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Minh tại hội thảo. Ảnh: Quang Định

Đối với lộ trình thị trường carbon tại Việt Nam, ông Minh cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, lộ trình bao gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đến hết năm 2027 là xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đây cũng là giai đoạn triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Ông Minh cũng cho hay, đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước bao gồm:

Thứ nhất, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thứ hai là tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thứ ba là tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.

Đối với quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp khi tham gia thị trường carbon, ông Minh cho hay, doanh nghiệp được thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, được đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.

Ông Minh cũng đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon, tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính, tăng cường năng lực về thực hiện hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.