Trung Quốc đang chuyển từ cho vay các nước nhiều rủi ro như Zimbabwe, Sudan sang các nền kinh tế tương tự Ethiopia. Ảnh nguồn: FT
Một phân tích của tờ Financial Times cho thấy 6/10 quốc gia nhận tài trợ của Trung Quốc từ năm 2013 đến 2015 được xếp loại nguy cơ vỡ nợ cao, sử dụng phương pháp đo lường của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trái ngược, chỉ 2 trong 10 quốc gia vay quỹ phát triển từ World Bank từ năm 2011 đến 2015 ở trong cùng loại rủi ro này.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết 35 tỷ USD cho vay ưu đãi châu Phi trong động thái làm yên lòng các đối tác ở châu lục này rằng lợi ích của Trung Quốc đã mở rộng ra ngoài việc khai thác dầu và các nguồn tài nguyên khác.
Nhưng với giá dầu quanh mức 50 USD/thùng, khả năng hoàn trả các khoản vay liên quan đến dầu thô đã bị suy giảm, người cho vay ở Trung Quốc và khách hàng vay châu Phi đang trở nên thận trọng hơn trong việc ký kết các dự án mới. Một số khoản vay bảo đảm bằng dầu thô đã quá hạn và phải đàm phán lại nợ ở Chad, Ghana và Angola.
Sự tan rã của nền kinh tế Venezuela cũng đặt ra câu hỏi cho Ngân hàng phát triển Trung Quốc về việc cho vay và đánh giá rủi ro ở nước ngoài.
"Trung Quốc vẫn tiếp tục nói về các mối quan hệ cùng có lợi với các nền kinh tế nặng hàng hóa nhưng nền tảng của mối quan hệ này đã thay đổi, khi xuất khẩu hàng hóa các nước ở châu Phi và Nam Mỹ ngày càng xấu đi," Matt Ferchen, một học giả của Trung tâm Thanh Hoa - Carnegie ở Bắc Kinh cho biết.
Đáp lại, Trung Quốc đang chuyển tập trung từ các khách hàng rủi ro như Zimbabwe và Sudan sang các phương án thay thế như Ethiopia, hiện nay đang nổi lên là trung tâm sản xuất của khu vực. Trong tháng này, một dự án đường sắt điện khí hóa trị giá 3,4 tỷ USD, được tài trợ và xây dựng bởi Trung Quốc, bắt đầu hoạt động nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và nước Cộng hòa Djibouti giáp biên giới phía Đông Bắc, nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài của mình.
Đáng lo ngại là Trung Quốc không có giới hạn rõ ràng đảm bảo tính bền vững trong hoạt động cho vay quỹ phát triển, như World Bank, Deborah Brautigam, học giả Trung Quốc gốc phi ở SAIS nói.
Điều này dẫn đến những thỏa thuận không thực tế như khoản tín dụng 3 tỷ USD cho Ghana vào năm 2010, mà một phần trong số đó bị mắc kẹt trong dự án khí gas tự nhiên bị trì hoãn cho đến nay.
Cũng như vậy ở Angola, các thỏa thuận cho vay bảo đảm bằng lượng dầu xuất khẩu hàng ngày cần phải được đàm phán lại để nâng mức dầu xuất khẩu lên, bà Brautigam nói.
Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc có truyền thống đi đầu trong cho vay châu Phi, nhưng một số nhà quan sát tin rằng danh mục của nó đã gần bão hòa. Trong khi đó, Ngân hàng phát triển Trung Quốc đã mở rộng cho vay nước ngoài quá nhiều trong thời kỳ bùng nổ giá dầu, giờ đây phải tập trung giải quyết rủi ro. Cả hai ngân hàng này đều đã tăng vốn vào tháng 4/2015 sau khi sụt giảm mạnh giá dầu đã cho thấy khả năng vỡ nợ của các nhà xuất khẩu dầu tăng cao. Thực chất, việc mở rộng cho vay là cái cớ để Trung Quốc thực hiện sáng kiến Một vành đai, Một con đường hay thường được biết đến là “Con đường tơ lụa trên biển” của mình./.
Ngọc Trang (theo FT)