Ưu tiên nguồn vốn cho hợp tác xã  phát triển chuỗi giá trị sản phẩm
Vườn mít ruột đỏ của HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Khánh Linh

Khó tiếp cận vốn để tham gia liên kết chuỗi giá trị

Tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề "Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm" do Liên minh HTX tổ chức ngày 11/4, các đại biểu cho biết, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các hợp tác xã (HTX) vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để phát triển bền vững như khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong đó có chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng...

Lợi nhuận tăng khi hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị

Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện nay cả nước có 31.764 hợp tác xã (HTX). Đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 10%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.

Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, thời gian qua mặc dù có nhiều chính sách, cơ chế cho vay ưu đãi đối với khu vực kinh tế tập thể, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng tại khu vực này vẫn còn thấp. Tính đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng (1.200 HTX, Liên hiệp HTX có dư nợ), giảm 1,69% so với cuối năm 2023.

Ở góc độ HTX, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, có 3 yếu tố quyết định đến sản xuất gồm: vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường. Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, đây là vấn đề nan giải cho HTX trong nhiều năm nay. Việc huy động vốn của HTX hiện nay chủ yếu là vốn góp từ các cá nhân và tổ chức, nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất. Các HTX chủ yếu tiếp cận vốn từ quỹ của Liên minh HTX địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Yên Duyên (Hà Nội) cũng khẳng định, nhiều HTX, nhất là HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp, trong khi điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại đều yêu cầu HTX phải có tài sản thế chấp, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX rất hạn hẹp, nhu cầu vay vốn của các HTX lớn, nên rất ít HTX có thể tiếp cận được các chính sách tín dụng.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, hiện nay, các hợp tác xã (HTX) có hai vấn đề cần bàn, đó là vốn và tiêu thụ sản phẩm (nghĩa là trong quá trình sản xuất phải có sự liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị). Về nguyên tắc tín dụng vốn, ngân hàng cho vay phải có thế chấp. HTX muốn vay theo hình thức tín chấp cần phải đề xuất với Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số tổ chức khác để xây dựng gói tín dụng dành riêng cho HTX, như vậy mới có thể mở ra được những nút thắt.

Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã

Liên quan đến tín dụng cho HTX nói chung và HTX tham gia liên kết còn thấp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Đào Minh Tú lý giải, ngoài nguyên nhân do liên kết còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết hoàn chỉnh, rủi ro thị trường, giá cả, phương án vay vốn kém khả thi, không hiệu quả, còn do một số nguyên nhân mà các cấp, các ngành chỉ ra trong quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX như: Vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh (SXKD) của HTX; quy mô SXKD, phạm vi hoạt động hẹp; năng lực cạnh tranh còn yếu; minh bạch tài chính, kế toán, dòng tiền…

Trong khi theo quy định của luật các tổ chức tín dụng (TCTD), TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn vay trước khi quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Theo đó, việc các HTX phải đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục vay vốn là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh cho các TCTD.

Để khắc phục khó khăn đó cũng như hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, ông Đào Minh Tú cho rằng cần phải khắc phục từ hai phía là cơ quan nhà nước và HTX. Trước tiên, cơ quan nhà nước cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật HTX 2023, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ 8 chính sách, tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX.

NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay HTX và các thành viên HTX, phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng thời nghiên cứu đề xuất với Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó sẽ xem xét, cân nhắc mức cho vay không có TSBĐ phù hợp với thực tế.

Ông Đào Minh Tú cũng đề nghị các HTX cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức HTX (về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh...). Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động đúng bản chất của HTX, tăng cường liên kết, SXKD hiệu quả, minh bạch tài chính, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các TCTD cho vay. Ngoài ra, cần có tổ chức bảo lãnh vay vốn cho các HTX để tăng tiếp cận vốn cho HTX. Các TCTD sẵn sàng cho vay HTX khi có bảo lãnh của bên thứ ba khi đáp ứng được các nguyên tắc về tín dụng.

Ưu tiên nguồn vốn cho hợp tác xã  phát triển chuỗi giá trị sản phẩm

ÔNG NGUYỄN VIẾT VỊ - GIÁM ĐỐC HTX THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ PHƯỚC THIÊN, TỈNH BÌNH PHƯỚC:

Cởi được nút thắt về nguồn vốn

Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành đã cởi được vấn đề nút thắt về nguồn vốn. Các tổ chức tín dụng đã vào cuộc, hỗ trợ vấn đề giải ngân vốn bằng hình thức tín chấp, không phải dùng thế chấp như trước. Bên cạnh đó, các tổ chức cũng tạo điều kiện cho các hợp tác xã có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất chế biến sâu, có thể giải ngân nguồn vốn lên đến 70% giá trị của dự án.

Tôi mong muốn mô hình kinh tế tập thể luôn luôn là nòng cốt để phát triển nền kinh tế quốc gia cũng như tạo sự gắn kết đồng bộ giữa nông thôn đến thành thị. Trong vấn đề liên kết chuỗi giá trị, tôi thấy ý thức của nông dân chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ và còn “bẻ kèo”hợp đồng. Để khắc phục tình trạng này, cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để bảo hộ cho các chủ thể chuỗi liên kết để tạo giá trị bền vững hơn.

Ưu tiên nguồn vốn cho hợp tác xã  phát triển chuỗi giá trị sản phẩm

ÔNG LÊ ĐỨC THỊNH, CỤC TRƯỞNG CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN):

Nhiều chính sách ưu đãi cho Hợp tác xã phát triển

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…