Theo Ngân hàng ANZ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Theo Ngân hàng ANZ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 dự báo đạt 6,8% và tỷ lệ lạm phát ở mức 3,5%.

Đó là nhận định của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.


Giảm bội chi, nợ công giúp củng cố nền tảng vĩ mô

Năm 2017 là năm hiếm hoi mà 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt mức kế hoạch Quốc hội đã đề ra. Trong đó, hai chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất là tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát đều đạt những kết quả rất ấn tượng. Cũng trong năm 2017, diễn biến của một số chỉ tiêu kinh tế cho thấy mức độ ổn định của nền kinh tế được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ nợ công/GDP giảm từ 63,6% năm 2016 xuống dưới 62% năm 2017. Tốc độ tăng nợ công có xu hướng giảm dần. Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm và ở mức thấp hơn mục tiêu kế hoạch. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN có xu hướng giảm.

“Có thể thấy việc giảm bội chi NSNN và nợ công trong năm 2017 đang dần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian sắp tới”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhận định.

Năm 2018, dự báo của một số tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực. Theo Ngân hàng ANZ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 dự báo đạt 6,8% và tỷ lệ lạm phát ở mức 3,5%. HSBC dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể chuyển đổi từ trạng thái “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” sang trạng thái “tăng trưởng ổn định, lạm phát cao”. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 6,7%.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên, đó là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cho dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Thứ hai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt tỷ lệ cao về số lượng nhưng số vốn chuyển giao cho khu vực tư nhân còn thấp, khiến hiệu quả của DNNN chậm cải thiện, môi trường sản xuất kinh doanh còn chịu tác động gây méo mó. Thứ ba, việc xây dựng năng lực để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn chậm. Và cuối cùng là sự kết nối giữa DN đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước thiếu chặt chẽ, chưa tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất cho nền kinh tế trong tương lai.

Truyền tải thông điệp và hành động chính sách đến người dân

Để duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian sắp tới, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn đưa ra đề xuất một số định hướng chính sách chủ yếu. Trong đó, mục tiêu ưu tiên là tiếp tục thiết lập nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Việc ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô kết hợp với ổn định chính trị xã hội chính là “điều kiện cần” cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với chính sách tiền tệ, chúng ta cần hướng tới mục tiêu lạm phát như đã đề ra. Để duy trì tỷ lệ lạm phát 4%, tổng phương tiện thanh toán có thể tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 15%) tùy thuộc vào các cú sốc kinh tế bên trong và bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốt dòng tín dụng vào nền kinh tế để nâng cao chất lượng tín dụng và đồng thời góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu. Việc kiểm soát dòng tín dụng gồm có giám sát dòng tín dụng đi vào các DN hoặc vào các DN tư nhân lớn, giám sát hiệu quả hoạt động của các dự án có sử dụng vốn vay lớn vì một khi dự án thiếu hiệu quả hay phá sản sẽ tạo ra hiệu ứng ngoại lai tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng.

Về chính sách tài khóa, Chính phủ cần tiếp tục hướng tới việc giảm thâm hụt ngân sách, giảm dần nợ công và nợ nước ngoài. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Chính phủ quyết tâm thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, giao trách nhiệm cho người đứng đầu dự án hay cơ quan chủ quản. Khi dự án thiếu hiệu quả, có thể cho phá sản thay vì cấp vốn để dự án tiếp tục hoạt động thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc chủ động nâng cao năng lực quản trị nhà nước hiện đại và tăng cường ứng dụng quản trị số trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và DN.

Đồng thời, quá trình cổ phần hóa DNNN cần được đẩy mạnh, tăng cường tính kết nối giữa DN FDI và DN trong nước. Chính phủ cần đẩy mạnh cổ phần hóa về chất, nghĩa là tập trung vào cổ phần hóa về vốn và cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn nữa vào bộ máy quản trị trong các DN đã cổ phần hóa...

Cuối cùng, các chính sách tốt sẽ thiếu hiệu quả nếu thông điệp của chính sách không được truyền tải tốt nhất đến người dân nói chung và các tác nhân chịu tác động nói riêng. GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, Chính phủ tiếp tục tương tác mạnh mẽ hơn với người dân, truyền tải thông điệp chính sách rõ ràng, liên tục và tạo nên một Chính phủ cầu thị, biết lắng nghe để từ đó có những hành động vì nhân dân, phục vụ DN để gây dựng niềm tin từ nhân dân và cộng đồng DN cũng như các nhà đầu tư như cam kết đầu nhiệm kỳ.

H.Y