Tại đại hội, VCCI cũng thống nhất việc sửa đổi Điều lệ VCCI cho phù hợp với tính chất của một đoàn thể nhân dân, một hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Lý giải việc đổi tên này, VCCI cho biết từ năm 2016 tới nay, một số văn bản, quy định mới của Nhà nước đã được ban hành, ảnh hưởng tới các chức năng, nhiệm vụ liên quan của VCCI. Đồng thời, quá trình triển khai Điều lệ 2016 cũng xuất hiện một số vướng mắc thực tiễn nhất định, đòi hỏi điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể, tên tiếng Việt của VCCI là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - là sự tiếp nối quy định tại các điều lệ trước đó của VCCI từ khi thành lập (27/4/1963), được dịch chính xác từ cụm từ phổ biến trong tiếng Anh là “Chamber of Commerce and Industry.”

VCCI đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
VCCI đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh Minh Hồng

Về chức năng đại diện người sử dụng lao động, Bộ Luật Lao động 2019 được Quốc hội thông qua với một số sửa đổi có liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ về vấn đề này của VCCI, bao gồm ghi nhận vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định” của VCCI và bổ sung thêm nhóm chủ thể đại diện người lao động - “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Tuy nhiên, trong tiếng Việt hiện đại, chữ “Phòng” của VCCI lại mang nhiều ngữ nghĩa khác nhau; trong đó, có cách hiểu nhầm lẫn rằng đây là một bộ phận, một đơn vị thuộc hệ thống quản lý nhà nước.

Từ một số vướng mắc về từ ngữ, kỹ thuật, cách diễn đạt, đối chiếu với các quy định pháp luật và rà soát thực tiễn thực hiện Điều lệ 2016 của VCCI cho thấy, có một số nội dung về bộ máy tổ chức, về kỹ thuật soạn thảo văn bản (từ ngữ, cách đánh số điều khoản…) chưa hoàn toàn thống nhất với các quy định, điều khoản mẫu theo pháp luật về hội, hoặc chưa thật chuẩn xác về kỹ thuật, do đó cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi đó, từ góc độ pháp lý, “Liên đoàn” là một trong các thuật ngữ được sử dụng để gọi tên hội nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của hội.

Từ góc độ lịch sử, cụm từ “Liên đoàn” đã được sử dụng trong tên tiếng Việt của tổ chức đầu tiên của giới công thương sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 - “Công Thương Cứu quốc Đoàn.”

Từ góc độ ngôn ngữ, “Liên đoàn” là tên gọi được dùng cho các tổ chức hội đại diện cho lợi ích của các hội viên. Từ góc độ quốc tế, nhiều nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... cũng sử dụng từ này (Federation) để đặt tên các tổ chức đại diện các doanh nghiệp, tương đương như phòng thương mại.

Cụm từ “Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” được giữ nguyên trong tên gọi tiếng Việt mới của VCCI nhằm bảo đảm sự tiếp nối liền mạch, không gián đoạn của VCCI trong tất cả các vấn đề.

Về việc rà soát, sửa đổi Điều lệ VCCI, theo ông Phạm Tấn Công, căn cứ quy định của Bộ Luật Lao động 2019, VCCI đề xuất phương án cập nhật, sửa đổi các quy định tại Điều lệ, như theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Điều lệ 2016 từ chức năng “xúc tiến, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp” sẽ đổi thành chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”.

Bên cạnh đó, cập nhật, sửa đổi một phần quy định về nhiệm vụ “phối hợp với tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan, đơn vị hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp, giới sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo quy định hiện hành” sửa đổi thành “phối hợp với các tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan, đơn vị hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, cập nhật việc sửa đổi về từ ngữ, kỹ thuật, cách diễn đạt về chức năng, nhiệm vụ, quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi điều lệ mới có hiệu lực thi hành./.