Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy, tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức, ngày 25/5.

te
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam in dấu tay trên quả cầu mang thông điệp "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng,chống đuối nước trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em". Ảnh: Mạnh Dũng.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cả nước hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em (chiếm khoảng 21% tổng số trẻ em của cả nước). Việc triển khai thực hiện quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Ở một số địa phương còn để xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại một cách nghiêm trọng…

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2019 là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em và là năm thứ 25 phát động Tháng hành động vì trẻ em. Luật Trẻ em quy định, trẻ em có 25 quyền, do đó ngoài các phong trào phát động thì điều quan trọng là phải thực hiện thật tốt Luật Trẻ em, trong đó bao gồm những quy định rất đầy đủ về quyền trẻ em, về trách nhiệm của các cấp, các ngành, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

“Vì thế, điều đầu tiên là chúng ta phải làm cho tất cả mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình, khi biết được rồi thì những cá nhân, tổ chức đã được quy định có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong luật phải được ràng buộc trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền, và đương nhiên các hành vi vi phạm quyền trẻ em phải xử lý nghiêm theo pháp luật” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, quan niệm giáo dục từ xưa “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” với ý nghĩa là cần nghiêm khắc với trẻ em, phải uốn nắn từ đầu, song khi xã hội ngày càng phát triển, văn minh hơn thì câu nói này phải hiểu cho đúng và hợp với thời đại.

“Chúng ta nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng và tình thương nhưng cách thực hiện không phải bẳng roi, bằng vọt như nghĩa đen của nó. Trẻ em không chỉ bị đánh về mặt thể xác mà ngay cả câu nói và thái độ làm cho trẻ em bị tổn thương thì đó cũng là xâm hại” – Phó Thủ tướng cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, phải làm theo lời người lớn, mà hãy coi trẻ em cũng là một đối tác của mình và cần được tôn trọng. Trẻ em ngày nay có quyền tham gia, bày tỏ chính kiến chứ không nên chỉ một chiều như trước kia.

“Tôi mong rằng, chúng ta hãy thực sự coi trọng công tác chăm lo cho thế hệ mai sau của gia đình, dòng tộc, quê hương, rồi đến đất nước, thế giới mình. Một đất nước pháp quyền nhất định đầu tiên phải tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, điều này chúng ta phải làm một cách thiết thực” – Phó Thủ tướng bày tỏ./.

Mai Đan