13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ
Có khoảng 900ha rau củ đạt chứng nhận hữu cơ. Ảnh: TL

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ (NĐ 109) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 21/11, ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sau 3 năm thực hiện NĐ 109, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn được hoàn thiện và bổ sung đầy đủ.

Trong đó, có 23 địa phương đã xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn riêng về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị định 109 và Đề án 885; có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu hàng hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016. Việt Nam có hơn 30 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc,... Ngoài ra còn các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu.

Cụ thể, 17 địa phương đã tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, 22 địa phương thực hiện hỗ trợ lồng ghép với các chính sách chung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.

Nhờ vậy, số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều. Kết quả, đã có 13 nhóm sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ gồm: Lúa gạo (2.300ha), rau củ (900ha), trái cây (14.000ha), chè (gần 8.000ha), cà phê (42ha), hạt điều (gần 4.000ha), lợn (hơn 3.000 con/năm), bò sữa (100 con/năm), gà (hơn 7.000 con/năm), tôm, hồi (hơn 500ha) và quế (10.000ha).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai thực hiệt tốt NĐ 109 về nông nghiệp hữu cơ, trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tập trung triển khai các lớp tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ bởi diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có ở các tỉnh và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã được bán ở nhiều nơi, cần phải tăng cường công tác quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải xây dựng ngay một chương trình nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là đối với các hợp tác xã, nông dân và triển khai các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ. Các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học – Công nghệ xây dựng một chương trình khoa học quốc gia phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ…

Ngày 29/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Theo nghị định này, nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.