Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro tăng tính tuân thủ pháp luật thuế
Nguồn Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Ứng dụng công nghệ nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế

Chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ; đưa nước ta hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới; nâng cao chất lượng, phục vụ tốt cho hoạt động, đời sống của người dân, doanh nghiệp (DN); tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro tăng tính tuân thủ pháp luật thuế

“Năm 2024, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý thuế như phân loại hồ sơ hoàn thuế; phân tích, đối chiếu dữ liệu HĐĐT và tờ khai thuế GTGT để kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về HĐĐT, gian lận hoàn thuế GTGT; lựa chọn đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra...”.

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế

Với xu hướng số lượng người nộp thuế (NNT) ngày càng gia tăng, hoạt động kinh tế phát sinh của NNT ngày càng phức tạp, cùng với yêu cầu tạo thuận lợi cho NNT trong khi nguồn lực cán bộ thuế có hạn, ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm nâng cao tính tuân thủ của NNT, phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong những năm qua, ngành Thuế đã thực hiện nhiều biện pháp áp dụng QLRR trong các khâu của công tác quản lý thuế như lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, quản lý sử dụng hóa đơn và trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã ban hành Bộ Chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn và quy trình hướng dẫn thực hiện; triển khai ứng dụng đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) và tờ khai thuế GTGT trong toàn ngành từ ngày 15/5/2023. Qua đó, xác định NNT có rủi ro cao, nghi ngờ gian lận thuế, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh thất thu NSNN.

Từ khi triển khai đến nay, cơ quan thuế đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ không mã sang có mã đối với 618 DN. Đồng thời, đưa 4.809 DN vào danh sách cần kiểm tra công tác quản lý và sử dụng hóa đơn. Số thuế GTGT đầu ra NNT đã thực hiện kê khai bổ sung là 1.921 tỷ đồng; phát hiện có 15.866 NNT tạm dừng hoạt động, 13.023 NNT đã dừng hoạt động, 17.879 NNT bỏ địa chỉ kinh doanh, 1.869 NNT đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.

Cùng với đó, ngành Thuế nghiên cứu xây dựng và triển khai chức năng “Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn” tại ứng dụng HĐĐT phục phục vụ cho công tác kiểm soát HĐĐT, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống từ ngày 15/6/2023. Cơ quan thuế đã rà soát 34.314 NNT, xác định được 15,26% NNT vượt hệ số K có rủi ro cao (kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra,...).

Đồng thời, ngành Thuế nghiên cứu áp dụng một số công nghệ mới (công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để phân tích trên dữ liệu HĐĐT. Kết quả, đối với mặt hàng tinh bột sắn, cơ quan thuế phát hiện chuỗi DN có rủi ro cao về xuất khống hóa đơn.

Với việc ban hành và triển khai đồng bộ quy trình áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn; hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu HĐĐT hỗ trợ khả năng tự động chấm điểm và đưa ra danh sách NNT có rủi ro cao về hóa đơn, sẽ giúp công tác quản lý thuế thực hiện linh hoạt, phù hợp, đúng quy định.

Áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào quản lý thuế

Trong công tác hoàn thuế, ngành Thuế đã áp dụng QLRR trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lập kế hoạch thanh kiểm tra sau hoàn thuế. Đồng thời, cơ quan thuế khẩn trương xây dựng, nâng cấp ứng dụng QLRR phân hệ hoàn thuế đảm bảo tự động hóa trong khâu phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế và bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ ngày 27/10/2023.

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, việc triển khai thực hiện thống nhất việc phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động đã đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế cũng như kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro trong công tác quản lý hoàn thuế chống gian lận gây thất thoát NSNN; đồng thời cũng góp phần hỗ trợ NNT quay vòng vốn nhanh để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro tăng tính tuân thủ pháp luật thuế

Tính đến thời điểm báo cáo, số lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT được đẩy vào ứng dụng để phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm trước hoặc hoàn trước là 2.422 hồ sơ. Trong đó, tổng số hồ sơ đề nghị hoàn thuộc diện kiểm trước (bao gồm cả kiểm trước theo luật định và kiểm trước theo phân tích rủi ro) chiếm tỷ lệ khoảng 20% tính trên tổng hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.

Bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, năm 2024, Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp ứng dụng QLRR phân hệ lập kế hoạch để nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng QLRR trong việc lập kế hoạch thanh tra - kiểm tra tại trụ sở NNT. Kiểm thử việc cập nhật báo cáo đánh giá hiệu quả của chỉ số Bộ Chỉ số tiêu chí theo mức độ rủi ro. Tổ chức vận hành hiệu quả trung tâm phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử; tiếp tục rà soát nâng cấp, cập nhật ứng dụng cảnh báo xuất khống HĐĐT (theo hệ số K) phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục rà soát, hoàn thiện các bộ chỉ số tiêu chí và áp dụng quy trình áp dụng QLRR trong quản lý thuế, ứng dụng QLRR tuân thủ tổng thể; vận hành, triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT theo các bộ chỉ số tiêu chí trong các nghiệp vụ quản lý thuế./.