Bài 1: Thành lập “doanh nghiệp ma” để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Nếu quản lý thông tin cá nhân không tốt, các đối tượng sẽ lợi dụng mua bán hóa đơn trong nhiều trường hợp. Ảnh tư liệu

Vạch trần đường dây sử dụng “hóa đơn đen”

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm về mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, hóa đơn không hợp pháp để thu lợi bất chính. Thực trạng trên gây bức xúc trong xã hội, tạo xung đột lợi ích, làm giảm niềm tin, thiếu sự minh bạch, công bằng đối với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điểm lại một số vụ điển hình, vào cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP. Hồ Chí Minh đã điều tra, truy tố vụ án hình sự về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn" và "trốn thuế" xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước. Theo lời khai của bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang - người cầm đầu đường dây này, Trang và đồng phạm đã dùng 31 công ty, xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT cho hơn 6.476 cá nhân, tổ chức khác nhau trên 51 tỉnh, thành của cả nước, với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên hóa đơn sau thuế GTGT hơn 4.424 tỷ đồng.

Tại Cơ quan CSĐT, những người trong đường dây này khai nhận, từ năm 2018 đến khi bị bắt, đã sử dụng CMND/CCCD của người thân, mua ở tiệm cầm đồ, thành lập 20 pháp nhân tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; đồng thời mua lại 21 pháp nhân. Tất cả 41 pháp nhân này đều không hoạt động thực, chỉ sử dụng để xuất khống hóa đơn. Thông qua mạng xã hội, các đối tượng giới thiệu, chào bán hóa đơn GTGT. Sau khi có khách liên hệ mua thì các đối tượng này ghi khống nội dung, giá tiền (theo yêu cầu của khách), mức giá thỏa thuận là 1,5% - 2% giá trị ghi trên hóa đơn chưa thuế.

Mới đây, ngày 9/8, Công an TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã triệt phá chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT với tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, các đối tượng dùng thủ đoạn sử dụng CCCD giả, hoặc CCCD của người khác để thành lập “doanh nghiệp ma”, sau đó thực hiện hành vi mua bán hóa đơn lòng vòng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024, các đối tượng đã thành lập trên 40 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TP. Lạng Sơn để mua bán trái phép hóa đơn, trong đó có 10 công ty không có hóa đơn GTGT mua vào, nhưng xuất hóa đơn GTGT bán ra khống với tổng giá trị ghi trên hóa đơn GTGT trên 11.000 nghìn đồng.

Ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư Đặng Thành Chung,Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh cho biết, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn GTGT bất hợp pháp diễn ra ngày một nhiều, với các thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. “Trong quá trình tư vấn, chúng tôi đã tư vấn cho một số khách hàng liên quan đến hóa đơn không hợp pháp, thường ở hình thức hóa đơn không có hàng hóa thật, hoặc hóa đơn không đúng số lượng, giá trị thực tế của hàng hóa. Hành vi trái pháp luật này gây thất thu cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh” - luật sư Đặng Thành Chung nói.

Đề cập đến hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế, luật sư Đặng Thành Chung cho rằng, hiện nay việc sử dụng căn cước công dân để thành lập doanh nghiệp, nhưng thực chất không hoạt động kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích sử dụng, bán hóa đơn diễn ra khá phổ biến. “Việc thành lập doanh nghiệp rồi bán hóa đơn, được một thời gian ngắn thì bỏ trốn, mất tích là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp diễn ra rất phổ biến hiện nay” - luật sư Đặng Thành Chung cho hay.

Theo thống kê của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có hàng trăm doanh nghiệp bị “dính bẫy” mua bán hóa đơn. Đáng chú ý là những vụ mua bán hóa đơn khống như trên liên tục bị phát hiện thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp nơm nớp lo sợ bị "vạ lây". Chưa kể các trường hợp doanh nghiệp đã bị phá sản, ngừng hoạt động thời gian qua thì các hóa đơn GTGT vẫn bị cơ quan thuế hậu kiểm xem xét. Không những thế, nhiều hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu thời gian qua bị chậm hoàn thuế cũng có một phần lý do phải chờ xác minh hóa đơn GTGT có dấu hiệu bất hợp pháp hay không.

TS. Đoàn Ngọc Phúc, Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, các đối tượng nghiễm nhiên coi việc thành lập “doanh nghiệp ma” để mua bán hóa đơn là “một nghề”. Không những thế, họ còn dùng hóa đơn này làm chứng từ khống trong kinh doanh; vay vốn ngân hàng, làm đẹp báo cáo tài chính… Do vậy, nếu quản lý thông tin cá nhân không tốt, các đối tượng sẽ lợi dụng để lập doanh nghiệp, xuất bán hoá đơn bất hợp pháp để hoàn thuế.

Theo bà Ngô Thanh Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH thương mại đại lý thuế Thanh Hạnh TP.Hồ Chí Minh, hệ thống pháp luật về thuế ngày được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, theo đó nhiều nội dung được sửa đổi theo hướng ngày càng thuận lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không chịu tìm hiểu kỹ, cập nhật đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định ban hành sẽ rất có thể mắc phải sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật khó có thể khắc phục được./.

Bài 1: Thành lập “doanh nghiệp ma” để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Phát hiện “doanh nghiệp ma” qua phân tích rủi ro

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua việc tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), cơ quan thuế phát hiện một cá nhân làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó có 5 công ty đặt tại quận 6. Điều đáng nói là cả 116 công ty này đều được thành lập chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024) và đăng ký với tên nước ngoài.

Từ dấu hiệu bất thường này, cơ quan thuế đã mời đại diện doanh nghiệp liên quan đến để tuyên truyền, nhưng chủ doanh nghiệp không đến, đi kiểm tra thì các doanh nghiệp đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, địa chỉ không có thật. Cơ quan thuế sau đó đã gửi công văn cảnh báo rủi ro cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đề nghị rà soát, đồng thời gửi văn bản cho cơ quan công an để điều tra, xác minh.

Bài 1: Thành lập “doanh nghiệp ma” để sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Coi việc thành lập doanh nghiệp là một nghề

Theo TS. Đoàn Ngọc Phúc - Trưởng khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing, có tình trạng ở nhiều địa phương trên cả nước, các đối tượng vi phạm ngang nhiên coi việc thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn là một nghề để kiếm thu nhập. Không đầu tư máy móc, nhà xưởng… nhưng trong thời gian ngắn đối tượng lại có khoản thu lợi bất chính rất lớn. Vì thế, nếu quản lý thông tin cá nhân không tốt, các đối tượng sẽ dễ dàng lợi dụng để thành lập doanh nghiệp, mua bán hóa đơn trong nhiều trường hợp, nhất là giao dịch với cá nhân, nhằm thu lợi bất hợp pháp và sẽ trở thành phổ biến ở nhiều nơi.