Bài 1: Bước chuyển quan trọng từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường Bài 2: Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là "chìa khóa" thành công
Bài 3: Công cụ quan trọng hỗ trợ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
DATC tham gia xử lý nợ đã tạo điều kiện cho Vinalines và các đơn vị thành viên từng bước thoát khỏi khó khăn. Ảnh: TL

“Phao cứu sinh” đưa nhiều doanh nghiệp thành công

Với bề dày kinh nghiệm trong tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua phương thức xử lý và mua bán nợ, DATC đã nhận được sự tin tưởng từ Chính phủ khi được giao nhiệm vụ hỗ trợ xử lý nợ để thực hiện tái cơ cấu nhiều tập đoàn, tổng công ty (TCT) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines), TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), TCT Cà Phê Việt Nam, TCT Xây dựng Miền Trung, các TCT Xây dựng công trình giao thông 1,4,5,6,8 (Cienco 1,4,5,6,8), TCT Xây dựng Thăng Long, TCT Lắp máy Việt Nam, Công ty Haprocimex, Công ty thực phẩm Miền bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam…

Hàng chục các tập đoàn, tổng công ty chuyển đổi, cổ phần hóa đều có dấu ấn, bàn tay tham gia xử lý của DATC. Các phương án đưa ra đều rất mới, chưa có tiền lệ, do đó lãnh đạo công ty DATC đã phải liên tục báo cáo, trình bày với các cơ quan thẩm quyền là lãnh đạo Bộ Tài chính, Chính phủ… để có cơ chế phù hợp.

Những nỗ lực không ngừng đã được ghi nhận

Trong hành trình của một định chế tài chính nhà nước, với những thành quả không nhỏ của mình, DATC đã được Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những đóng góp trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng thời, DATC vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2009 và năm 2015.

Trong giai đoạn “trũng” về cổ phần hóa DNNN từ năm 2011 đến năm 2013, riêng DATC đã hỗ trợ cổ phần hóa thành công 33 doanh nghiệp gặp khó khăn, chiếm 30% trên tổng số 113 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong cả nước. Cũng vào giai đoạn này, DATC đã thực hiện thành công việc phát hành trái phiếu trị giá hàng trăm triệu USD để cơ cấu lại nợ vay tại các tập đoàn kinh tế của Nhà nước. Đặc biệt, giai đoạn 2014-2017, DATC đã nâng tầm việc mua và xử lý nợ với những hợp đồng có giá trị giao dịch lớn cả ngàn tỷ đồng tại các doanh nghiệp quy mô lớn.

Theo ông Phạm Thanh Quang - nguyên Tổng Giám đốc DATC, nếu không có sự tham gia của DATC, nhiều DNNN sẽ không chuyển đổi được, có khả năng rơi vào cảnh phá sản, người lao động mất việc làm, tài sản nhà nước bị thiệt hại. Ở những DNNN đang gặp khó khăn này, mỗi doanh nghiệp có những vướng mắc, yếu kém khác nhau nên DATC đã phải tính toán nhiều phương án, mà trước đó nhiều người cho rằng đây là nhiệm vụ khó khả thi. Đặc biệt, có những phương án đã được xử lý hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Một trường hợp doanh nghiệp mà DATC tham gia xử lý thu hút nhiều sự quan tâm là Vinalines. Giai đoạn 2008-2012, do nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, từ một doanh nghiệp đầu ngành của ngành vận tải biển Việt Nam, Vinalines ngập trong nợ nần, đứng trước bờ vực phá sản. Vào năm 2012, lỗ lũy kế của tập đoàn lên tới hơn 16.000 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 66.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới hơn 4.600 tỷ đồng.

Trước khó khăn đó, ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 với hàng loạt giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp quan trọng chủ chốt là cơ cấu lại các khoản nợ vay, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường. Theo đó, DATC là tổ chức trung gian được Chính phủ giao nhiệm vụ đứng ra mua và xử lý của Vinalines (gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên) tại các tổ chức tín dụng.

Chung tay vực dậy ngành công nghiệp tàu biển

Chia sẻ về quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Giám đốc DATC Phạm Mạnh Thường cho biết, công ty đã đứng ra gặp gỡ, đàm phán nhiều vòng, đưa ra nhiều phương án với các tổ chức tín dụng cả trong và ngoài nước để tìm hướng xử lý. Các ngân hàng chủ nợ luôn muốn thu nợ với giá cao nhất nhưng với những thông tin, giải pháp thuyết phục, đơn vị trung gian đã giúp các bên nhìn thẳng vào thực trạng, tìm được tiếng nói chung để xử lý các khoản nợ một cách phù hợp.

“Tất cả các bên có liên quan đều phải xác định tư tưởng sẵn lòng chia sẻ khó khăn, thậm chí phần nào thiệt thòi để đạt được mục tiêu chung, lớn hơn là vực dậy một doanh nghiệp đầu ngành hàng hải” - ông Phạm Mạnh Thường cho hay.

Với nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, đến nay, DATC đã hoàn tất công tác mua và xử lý nợ tại công ty mẹ và xử lý phần lớn các khoản nợ tại các đơn vị thành viên. Theo số liệu từ công ty, tổng dư nợ DATC đã mua từ các tổ chức tín dụng là 11.418 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc là 8.318 tỷ đồng, nợ lãi là 3.100 tỷ đồng). Tổng giá trị Vinalines và đơn vị thành viên nhận nợ và có trách nhiệm thanh toán cho DATC là 4.576 tỷ đồng.

DATC tham gia xử lý nợ đã tạo điều kiện cho Vinalines và các đơn vị thành viên phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động, đồng thời hỗ trợ cho ngành vận tải biển, cảng biển Việt Nam và các ngành phụ trợ liên quan từng bước thoát khỏi khó khăn. Giai đoạn 2020 trở lại đây, thị trường kinh doanh tàu biển phục hồi trở lại cũng là lúc Vinalines được vực dậy sau tái cơ cấu, nắm bắt được cơ hội kinh doanh, từ đó phát triển trở lại ngành công nghiệp tàu biển cho đất nước.

Việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng tại Vinalines thông qua DATC hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhà nước không phải dùng tiền từ ngân sách nhà nước để xử lý nợ. Trong khi đó, phần chênh lệch giữa giá vốn DATC mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ được Vinalines hạch toán tăng vốn nhà nước, tăng lợi ích của nhà nước tại doanh nghiệp được tái cơ cấu. Kết quả này đem lại những bài học về cơ chế, chính sách cần nhân rộng.

Nhìn lại bài học từ thành công này, Phó Tổng Giám đốc DATC Chu Ngọc Lâm cho rằng mặc dù đã được chỉ đạo, hỗ trợ về cơ chế, nhưng việc thực hiện xử lý nợ theo cơ chế thị trường sẽ rất khó khăn nếu không có sự nỗ lực, quyết đoán của Hội đồng thành viên. Nhiều kịch bản đàm phán với các bên, đặc biệt là với các đối tác nước ngoài, đã được công ty xây dựng, với các vòng đàm phán diễn ra kiên trì, gian truân nhiều tháng ròng.

Có thể nói, qua từng phương án kinh doanh, từng trường hợp xử lý nợ, cơ cấu lại doanh nghiệp thành công là cơ hội để chính các cán bộ DATC ngày càng trưởng thành vững vàng. Không chỉ giỏi nghiệp vụ chuyên môn tài chính, cán bộ DATC có thể phải có sự am hiểu ở rất nhiều ngành nghề, bởi mỗi doanh nghiệp kinh doanh ở mỗi lĩnh vực khác nhau. Mỗi phương án được xây dựng có đặc thù khác nhau, phải hiểu, phải biết mình có cái gì mới thực hiện được đàm phán thành công. “Ngoài sự hỗ trợ từ cơ chế, nhân tố quan trọng để thành công ở đây là quyết tâm, dám nghĩ, dám làm” - ông Chu Ngọc Lâm khẳng định.

Giải cứu thành công "con tàu đắm" Vinalines

Năm 2022, Vinalines đạt 14.343 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,5% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 3.055 tỷ đồng. Đáng chú ý là ngoài hoạt động kinh doanh chính cải thiện, trong 6 tháng đầu năm, Vinalines có thêm các khoản thu nhập khác lần lượt hơn 616 tỷ đồng và 763 tỷ đồng, đa phần đến từ việc được xóa, cơ cấu nợ với ngân hàng. Riêng việc xử lý nợ qua DATC tại Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông đã mang lại khoản thu 449 tỷ đồng.

Đến thời điểm năm 2022, tổng số nợ đã được DATC bàn giao cho Vinalines và các đơn vị thành viên là hơn 6.736 tỷ đồng. Trong đó, được Vinalines hạch toán tăng vốn nhà nước đầu tư tại tổng Công ty Vinalines là 2.567 tỷ đồng; hạch toán giảm lỗ, tăng thu nhập tại các đơn vị thành viên là 4.169 tỷ đồng.