Nhiều lý do để Bộ Công thương làm đầu mối quản lý xăng dầu

Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công thương liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, việc thống nhất để Bộ Công thương quản lý nhà nước về xăng dầu sẽ giúp chủ động hơn trong điều hành.

Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu; tuy nhiên, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở dẫn đến sự phân tán trong khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP để giao thống nhất về một cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan điều hành giá xăng dầu để tăng tính chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, theo quy định, Bộ Công thương là cơ quan quản lý, kinh doanh, phân phối xăng dầu; xuất - nhập khẩu cung ứng xăng dầu. Với chức năng, thẩm quyền như vậy, Bộ Công thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm. Vì vậy, cơ quan chủ trì điều hành giá cơ sở xăng dầu có thể chủ động xác định chính xác và tính toán các yếu tố hình thành giá cơ sở và công bố điều hành; chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.

Giao một đầu mối quản lý xăng dầu để công tác điều hành được tốt hơn.
Giao một đầu mối quản lý xăng dầu để công tác điều hành được tốt hơn.

Bộ Tài chính cho rằng, việc giao thống nhất nhiệm vụ quản lý giá về Bộ Công thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh, cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân. Việc phân tán như hiện nay làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá vì giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

"Đề xuất của Bộ Công thương là chưa thuyết phục"

Gần đây, khi hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi 2 nghị định có liên quan về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án và đề xuất lựa chọn phương án 2, tức là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đây là quan điểm đi ngược với chủ trương sửa đổi Luật Giá đã báo cáo Quốc hội lần 1 vào tháng 10/2022 và dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023 tới đây. Tại Luật Giá có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Như vậy có nghĩa là lĩnh vực hàng hoá do bộ ngành nào quản lý, thì bộ đó mới nắm sâu được, xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá cả mặt hàng đó.

Điều chỉnh các khoản chi phí định mức đã theo đúng quy định

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC.

Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Như vậy, việc rà soát điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu đã được Bộ thực hiện thường xuyên theo kỳ công bố đúng với quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác quản lý về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hiện Chính phủ giao Bộ Công thương quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu, nhưng lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý. Bởi Bộ Công thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu trên thị trường. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước, cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Bộ Tài chính chỉ nên thực hiện nhiệm vụ quản lý khoản thu ngân sách nhà nước, thuế, phí đối với xăng dầu; còn toàn bộ hoạt động kinh doanh, xác định chi phí định mức, giá cơ sở và giá bán lẻ cuối cùng theo cơ chế hiện hành, nên giao lại cho Bộ Công thương. Khi có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo thì chúng ta mới có một thị trường vận hành tốt hơn. Cũng theo ông Vũ Đình Ánh, đề xuất chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công thương là hợp lý. Để chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Công thương, cần sớm sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này đang trong quá trình đề xuất trong dự án xây dựng sửa đổi Luật Giá, nếu Luật Giá được thông qua thì Nghị định số 95/2021/NĐ-CP mới có thể điều chỉnh được.

“Giao cho bộ nào thì giá xăng vẫn phải được điều hành tốt”

Ở thời điểm vào cuối năm ngoái, khi nguồn cung xăng dầu thiếu hụt cũng đã dấy lên một số ý kiến xung quanh việc nên giao cơ quan nào thống nhất quản lý nhà nước về xăng dầu. Bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về những bức xúc này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu về Bộ Công thương và bộ này cần phải nhanh chóng tìm nguyên nhân, từ đó có giải pháp kịp thời, không để tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa, không có xăng dầu phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, việc nghiên cứu giao một đầu mối quản lý xăng dầu sẽ được thực hiện trong quá trình rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Thủ tướng cho biết, cần phải rà soát kỹ, nhưng cơ bản sẽ theo hướng một bộ quản lý duy nhất xăng dầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, đề xuất giao việc quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính mà Bộ Công thương đưa ra là chưa thuyết phục và cần phải nghiên cứu kỹ. Bởi vì, dự thảo Luật Giá đang được sửa đổi theo hướng một cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quản lý giá của mặt hàng đó. Về lĩnh vực quản lý xăng dầu, nên giao cho một đầu mối là Bộ Công thương chủ trì, song liên bộ Công thương - Tài chính cần trao đổi để phân định nhiệm vụ và phối hợp cụ thể.

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã khẳng định, việc giao đầu mối cho cơ quan nào quản lý, điều hành giá xăng dầu, quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thì sẽ giao cho cơ quan đó quản lý.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, trong trường hợp nếu Chính phủ tiếp tục giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp khác, Bộ Tài chính cũng luôn chấp hành phân công của Chính phủ, “giao cho cơ quan nào thì giá xăng dầu vẫn phải được điều hành tốt”.