So với quy định hiện hành, dự thảo đã giao thêm quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; giao thêm quyền quyết định mở ngành cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77. Đồng thời, dự thảo cũng đã quy định chặt chẽ hơn điều kiện về đội ngũ giảng viên và quy trình kiểm tra xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế ở cơ sở đào tạo.

Cụ thể, các đại học, học viện, các trường đại học được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo và không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 3 người cùng ngành.

Đối với các đại học, học viện, các trường đại học được xem xét để cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ tiến sĩ phải có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo, không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư và 3 tiến sĩ cùng ngành.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về sự tham gia của các chuyên gia trong việc thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng của một số nhóm ngành, quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc kiểm tra, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế đối với các ngành thuộc lĩnh vực An ninh, Quốc phòng (do yêu cầu bảo mật thông tin).../.

Hồng Quyên