![]() |
Ngoài công khai danh tính, cần nâng mức xử phạt đối với những người quảng cáo sai sự thật. Ảnh minh họa |
Vi phạm quy định quảng cáo gia tăng
Trong bối cảnh bán hàng qua phát trực tiếp (livestream) bùng nổ, hành vi lợi dụng sự nổi tiếng, uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên không gian mạng để tiếp tay cho quảng cáo, buôn bán hàng giả ngày càng gia tăng.
Có thể bị xử lý hình sựDự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề xuất tăng cường các hình thức xử lý và chế tài nghiêm khắc hơn, như buộc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cấm sóng, gỡ tài khoản mạng xã hội và thậm chí là xử lý hình sự. |
Thời gian qua, tình trạng người nổi tiếng như nghệ sĩ, diễn viên, KOLs (những người có sự ảnh hưởng đến mọi người trên các nền tảng mạng xã hội) vi phạm quy định quảng cáo gây bức xúc dư luận. Trong đó, phổ biến là các hành vi thổi phồng công dụng, quảng cáo sai lệch thông tin so với hồ sơ công bố, đặc biệt với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc và dịch vụ y tế.
Nhiều người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật đã phải xin lỗi người dùng và bị xử phạt theo quy định. Tháng 9/2023, nghệ sĩ Cát Tường lên tiếng xin khán giả tha thứ vì đã quảng cáo "sữa có tác dụng trị tiểu đường" sai sự thật, khiến dư luận bức xúc. Biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo bị xử phạt do quảng cáo sai phạm sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27, với tổng số tiền phạt lên tới 107.500.000 đồng…
Không chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính, nhiều nhân vật nổi tiếng còn bị khởi tố như Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên với cáo buộc có sai phạm về kẹo Kera trong vụ án liên quan Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs). Sau khi ra mắt sản phẩm, Thùy Tiên cùng Nguyễn Thị Thái Hằng và Phạm Quang Linh đưa ra các thông tin không đúng sự thật để phóng đại công dụng của sản phẩm. Tại cơ quan công an, hoa hậu Thùy Tiên thừa nhận biết bản thân là người nổi tiếng thì mọi người sẽ vì mình mua sản phẩm kẹo rau củ Kera…
Có thể thấy, người của công chúng, người có uy tín trong xã hội được xã hội tin tưởng, yêu mến. Họ xuất hiện ở đâu, nói điều gì, về cơ bản rất dễ được xã hội tiếp nhận. Khi họ tham gia quảng cáo sai sự thật, hoặc thiếu kiểm chứng thông tin, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng mức xử phạt đối với những đối tượng này.
Theo luật sư Nguyễn Khánh Toàn - Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, khi một người nổi tiếng lợi dụng danh tiếng của mình để quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm chưa được kiểm chứng về chất lượng hoặc có thể gây hại cho người tiêu dùng, đó là một hành vi thương mại có mục đích và nếu hành vi quảng bá này gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Những cá nhân thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm pháp lý đầy đủ, bao gồm trách nhiệm dân sự và hình sự nếu các yếu tố cấu thành tội phạm được thỏa mãn.
Điều tra, xử lý nghiêm người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Tại Công điện 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.
Về việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết, nghị định triển khai Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ tăng thêm chế tài xử phạt, hạn chế quảng cáo, hạn chế xuất hiện trên mạng xã hội.
Trước vấn đề người nổi tiếng tham gia quảng cáo không đúng sự thật nhiều sản phẩm là thực phẩm, Bộ Công an cũng cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tập trung điều tra, xác minh, xử lý toàn diện, triệt để các hành vi có dấu hiệu tội phạm liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, để tăng sức răn đe, phòng ngừa.
Đối với các cá nhân nổi tiếng, có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên không gian mạng, Bộ Công an yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo; cẩn trọng và có trách nhiệm khi thực hiện các hợp đồng quảng bá, giới thiệu, công bố các sản phẩm do mình đại diện thương hiệu. Đặc biệt, tuyệt đối không được đưa ra các thông tin sai lệch, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm mà thiếu cơ sở, căn cứ khoa học và tài liệu chứng minh.
Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần xem xét, tăng cường hơn nữa các chế tài xử lý vi phạm, nâng cao mức phạt đối với các hành vi sai phạm, phát ngôn lệch chuẩn hoặc vi phạm đạo đức trên không gian mạng. Ngoài ra, áp dụng cơ chế xử phạt linh hoạt, ngoài phạt tiền, cần bổ sung các hình thức xử lý khác như: Tạm ngừng trong một thời gian nhất định hoặc cấm vĩnh viễn tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, hoặc tham gia các nền tảng mạng xã hội; buộc họ phải công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nếu có yêu cầu bồi thường).
Đồng thời, công khai danh sách các người có ảnh hưởng vi phạm, đồng thời, yêu cầu họ phải cẩn trọng hơn khi phát ngôn hoặc quảng cáo sản phẩm. Các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế kết hợp với các nền tảng mạng xã hội và công chúng để theo dõi, giám sát hoạt động của người có ảnh hưởng.
Mức phạt quảng cáo sai sự thật đang quá thấpHiện nay, nhiều người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang tham gia quảng cáo thực phẩm và thực phẩm chức năng với nội dung sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Theo quy định tại khoản 15, Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với cá nhân và từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn phải tháo gỡ, xóa quảng cáo sai sự thật, cải chính thông tin và có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm. Nhấn mạnh hệ thống pháp luật Việt Nam không thiếu quy định về quảng cáo, nhưng cần rà soát để đảm bảo mức xử phạt đủ sức răn đe, Ths. Lưu Đức Quang - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các hành vi vi phạm đã được liệt kê rõ ràng, song chế tài xử lý vẫn chưa tương xứng, đồng thời thiếu cơ chế phát hiện và ngăn chặn từ đầu. Đề xuất thêm giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động quảng cáo của KOLs, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh ) chia sẻ, cần tăng mức phạt. Hiện tại, mức phạt 60 - 80 triệu đồng đối với cá nhân (gấp đôi với tổ chức) là quá thấp so với lợi nhuận họ thu về. Nếu họ coi trọng lợi ích kinh tế, Nhà nước cũng phải dùng biện pháp kinh tế để răn đe. Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng quản lý; giám sát chặt chẽ hơn để xử lý kịp thời, tránh vi phạm tiếp diễn, đồng thời tạo tiền đề để khởi tố hình sự khi cần. Thậm chí, áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn. Nếu chỉ phạt hành chính, KOLs có thể tẩu tán tài sản, khiến việc xử lý không triệt để. Cần làm rõ rằng bất chấp pháp luật để trục lợi có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân thân và sự nghiệp. |