Mức độ hài lòng của người dân đạt 95% vào năm 2030
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1865/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Đổi mới việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa của Bộ Tài chính. Việc ban hành đề án này, nhằm đổi mới việc thực hiện theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công chức số, công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền Tài chính số.
Bộ Tài chính đưa ra các mục tiêu cụ thể, nhằm phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp, như: được định danh số thống nhất trên môi trường điện tử trong các hoạt động giao tiếp với Bộ Tài chính trên cơ sở mã số định danh của cá nhân, doanh nghiệp; được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.
Hoạt động tại Trung tâm Giám sát Hệ thống công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế |
Người dân và doanh nghiệp cũng được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo nhiều phương thức cá thể hóa phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng thực hiện. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục kiểm tra, xác nhận hoặc cung cấp lại hồ sơ, giấy tờ, thông tin, kết quả giải quyết đã được số hóa theo quy định. Đồng thời, được trả và công nhận tính pháp lý của kết quả giải quyết TTHC ký số trong tất cả các giao dịch với Bộ phận Một cửa Bộ Tài chính; được giám sát, đánh giá, phản hồi trực tuyến quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả TTHC của các cơ quan nhà nước.
Những quy định cụ thể đối với cơ quan quản lý thực hiện các TTHC là các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng được nêu rõ. Theo đó, việc số hóa, xây dựng, duy trì, phát triển các cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính xác định giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025… Phấn đấu mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2030.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC. Nguyên tắc được quán triệt xuyên suốt đó là: sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan, công chức, viên chức theo quy định. Ngoài ra, phải đảm bảo giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức đúng thời hạn, đúng quy định, công khai, minh bạch; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá 1 lần trong suốt quá trình giải quyết TTHC; không phát sinh chi phí thực hiện TTHC ngoài quy định pháp luật.
Chuyển đổi số gắn liền với cải cách thủ tục
Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn coi cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Những kết quả là nỗ lực của Bộ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng đánh giá rất cao những kết quả cũng như các mục tiêu trong thời gian tới của ngành Tài chính về cải cách TTHC. Ông Tuấn cho rằng, các mục tiêu của ngành Tài chính đưa ra là “khá tham vọng”, như mức độ hài lòng của người nộp thuế đạt tối thiểu 90% vào năm 2025 và đến 2030 là 95%. Những đích đến này nếu làm được sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp. “Ít có ngành nào tác động mạnh mẽ tới cộng đồng như như ngành Tài chính, cho nên cải cách của ngành dù lớn dù bé thì đều có tác động lớn, rộng khắp” - ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.
Thời gian chờ đợi tối đa 15 phút/lượt giao dịch Bộ Tài chính xác định giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ vào năm 2025… Phấn đấu mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2030. |
Cũng theo một số chuyên gia kinh tế khi trả lời phỏng vấn của TBTCVN, thời gian tới, những cải cách thể chế của ngành Tài chính trong đó có cải cách về TTHC, nhất là cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan rất quan trọng, do đó cần được rà soát để đơn giản hơn nữa. Các cơ quan thuộc Bộ Tài chính vừa qua đã thực hiện rất tốt nhưng doanh nghiệp mong muốn các chính sách tiếp tục được đơn giản hơn, để đạt cho được các mục tiêu đề ra, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã xác định một trong 11 giải pháp trọng tâm đó là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số; cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực tài chính để xây dựng, phát triển, quản lý hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Những nhiệm vụ đó sẽ thực hiện theo lộ trình và mục tiêu được đong đếm với các con số cụ thể. Ngành Tài chính vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Liên thông cơ sở dữ liệu để thực hiện chuyển đổi số toàn diện Công tác giải quyết TTHC luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công tác này và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong đó bao gồm việc đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC nhằm tạo chuyển biến trong mối quan hệ giữa nhà nước với tổ chức, công dân. Tuy nhiên, so với yêu cầu của cải cách hành chính trong giai đoạn 2021 - 2030 là phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong tất cả các cơ quan nhà nước thì còn không ít thách thức, khó khăn. Trên thực tế, dữ liệu số của Bộ Tài chính hiện nay còn chưa sẵn sàng để phục vụ thực hiện TTHC, do việc số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu hầu như còn độc lập với quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, kết quả số hóa hiện chưa gắn liền, đảm bảo thực chất cho việc nâng cao chất lượng phục vụ, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tăng năng suất lao động trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là vấn đề “cát cứ” thông tin, thiếu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử phục vụ giải quyết TTHC. Vì vậy, việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử nếu chưa thật sự thuận lợi, đơn giản hơn so với phương thức truyền thống, đặc biệt là khi các TTHC còn chưa liên thông để phục vụ theo phương thức cá thể hóa thì chưa thể thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia, dẫn đến khó hình thành công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, nền tài chính số. Theo các chuyên gia kinh tế, thành công của cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Trong đó, tính chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai các mô hình, giải pháp mới đóng vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ. Thực tế, thời gian qua, việc triển khai cải cách TTHC, chất lượng phục vụ của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa có cơ chế huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình đổi mới, tạo ra các dịch vụ công trực tuyến thông minh để giải quyết TTHC. Với việc ban hành một số đề án, quy chế trong giải quyết TTHC, hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa chiến lược, giải pháp, nhiệm vụ về thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện thành công việc xây dựng nền Tài chính số, triển khai hiệu quả Chiến lược Tài chính đến năm 2030. |