H.TR

Phát triển các sản phẩm lâm nghiệp cần đi liền với bảo tồn hiệu quả tiềm năng sinh thái của quốc gia. Ảnh: H.TR

Theo giải trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc chuyển địa bàn thực hiện Dự án từ tỉnh Quảng Trị sang tỉnh Gia Lai theo kết quả họp đàm phán về hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam và Đức năm 2013 (do quy mô diện tích đất có thể đưa vào thực hiện Dự án còn lại ít, tại tỉnh Gia Lai đã có dự án thực hiện có các tiêu chí phù hợp để tham gia Dự án), Bộ Tài chính cho biết, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)- nhà tài trợ dự án, không phản đối điều chỉnh này.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ NN&PTNT làm rõ dự án có tính chất chi xây dựng cơ bản, tính chất chi thường xuyên hay hỗn hợp để có căn cứ bố trí vốn.

Về cơ chế tài chính đối với tiền viện trợ không hoàn lại dành cho hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển thôn bản, với cách thức hoạt động của Quỹ, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc ngân sách nhà nước cấp phát 100% đối với hoạt động này.

Mặc dù vậy, do tỷ trọng vốn đối ứng tương đối lớn, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các tỉnh tiếp tục rà soát các hoạt động, định mức chi hiện hành trong nước để cắt giảm những phần không cần thiết và chịu trách nhiệm sử dụng vốn đối ứng hiệu quả, tiết kiệm.

“Trên cơ sở kế hoạch hoạt động cụ thể của Dự án, cần bổ sung bảng tổng hợp số liệu kinh phí thực hiện Dự án theo năm, tương ứng theo nguồn vốn ODA, vốn đối ứng và chi tiết theo tính chất chi từng nguồn vốn của Bộ NN&PTNT và của từng địa phương”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung sơ đồ luồng tiền của Dự án từ trung ương đến địa phương và sơ đồ tổ chức thực hiện Dự án tại các cấp.

Hoàng Minh