Thường xuyên rà soát để tính đúng, tính đủ giá cơ sở

Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, về việc rà soát điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong năm 2022, căn cứ số liệu, đề xuất của Bộ Công thương và các thương nhân đầu mối cung cấp, năm 2022, Bộ Tài chính đã tính toán điều chỉnh một loạt các chi phí.

Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam được điều chỉnh 2 lần. Trong đó, lần 1 vào ngày 10/1/2022 với xăng RON92 lên mức 290 đồng/lít; lần 2 vào ngày 10/7/2022 tăng 60 đồng lên 350 đồng/lít.

Cùng với đó, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng được điều chỉnh 2 lần. Trong đó, lần 1 vào ngày 10/1/2022 với xăng RON92 lên mức 250 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít.

Premium trong nước cũng được điều chỉnh 2 lần. Trong đó, lần 1 vào ngày 10/1/2022 với xăng RON92 lên mức 970 đồng/lít; lần 2 vào ngày 7/10/2022 tăng 350 đồng lên 1.320 đồng/lít.

Thị trường xăng dầu đã có những dấu hiệu tích cực.  				           		           Ảnh: Tố Uyên
Thị trường xăng dầu đã có những dấu hiệu tích cực. Ảnh: Tố Uyên

Cũng theo Bộ Tài chính, tại công văn 6436/BCT-TTTN, Bộ Công thương đề nghị điều chỉnh một số chi phí đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhưng không gửi kèm số liệu và báo cáo cụ thể đánh giá mức độ biến động các khoản chi phí trên để Bộ Tài chính có cơ sở tính toán điều chỉnh theo quy định. Do đó, Bộ Tài chính đã có công văn 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022 đề nghị Bộ Công thương cung cấp số liệu, báo cáo gửi về Bộ Tài chính trước ngày 25/10/2022.

Sau khi nhận được số liệu, báo cáo đánh giá của Bộ Công thương và các thương nhân đầu mối kết hợp với số liệu kiểm chứng thực tế, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương phối hợp với Bộ Công thương rà soát đánh giá mức độ điều chỉnh các khoản chi phí có biến động bất thường theo quy định.

Như vậy, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh chi phí xăng dầu theo thực tế phát sinh và trên cơ sở rà soát số liệu có kiểm chứng tại doanh nghiệp.

Dừng thông quan nhiều đầu mối xăng dầu chưa tuân thủ quy định là đúng pháp luật

Trước kiến nghị của Bộ Công thương về việc thực hiện thông quan cho một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có nợ thuế lớn cũng như chưa đáp ứng được quy định về nhập khẩu, phân phối xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến cụ thể.

Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu 24/7, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngay trong ngày 21/10/2022, Bộ trưởng Tài chính cũng đã có công văn số 10855/BTC-VP gửi Tổng cục Hải quan đề nghị báo cáo những kiến nghị của Bộ Công thương về việc hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định pháp luật.

Thông tin chi tiết hơn về 4 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp vướng mắc về thủ tục hải quan, Bộ Tài chính cho biết, đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, hiện công ty có phát sinh số tiền thuế quá hạn nộp (số tiền cưỡng chế là hơn 684 tỷ đồng) nên Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị cơ quan hải quan tạm dừng thủ tục, theo quy định tại khoản 8 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Việc dừng làm thủ tục đối với công ty này để đảm bảo tránh nguy cơ thất thu thuế của Nhà nước theo đúng quy định pháp luật về quản lý thuế.

Tham mưu rất kịp thời các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng

Với việc liên tục tham mưu, đề xuất giảm thuế với xăng dầu và kịp thời điều chỉnh chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã một lần nữa khẳng định, Bộ Tài chính luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN phân phối và DN bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân, đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. “Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu” – Bộ trưởng nói.

Đối với Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, theo quy định tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ thì đến ngày 10/8/2022, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu phải thực hiện trang bị và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất/nhập/tồn kho với cơ quan hải quan để kiểm soát buôn lậu, trốn thuế. Tuy nhiên, sau nhiều lần đôn đốc của cơ quan hải quan, đến nay Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu vẫn không triển khai việc lắp đặt và kết nối thiết bị nên không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu.

Đối với Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, trên thực tế, 2 công ty này hiện nay không phát sinh vướng mắc. Riêng đối với kiến nghị của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà về việc được sử dụng chứng thư chất lượng do nhà cung cấp đi theo tàu nhập khẩu để xem xét thông quan là không phù hợp với quy định tại Quyết định số 3810/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. "Vì mặt hàng xăng dầu nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan và cơ quan kiểm tra là Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng" - Bộ Tài chính lý giải.

Như vậy, các vướng mắc của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nêu trên là do chưa thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp nhập khẩu khác vẫn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và không phát sinh vướng mắc.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối, phân phối, bán lẻ hoạt động thông suốt nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương có ý kiến với các công ty khẩn trương rà soát, hoàn thiện, thực hiện các quy định của pháp luật nêu trên. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị Bộ Công thương rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Không thiếu cung nhưng "tắc nghẽn" đầu ra chính là do khâu quản lý

Bình luận về việc các cây xăng treo biển “hết hàng” ở các thời điểm nhạy cảm chuẩn bị điều chỉnh giá xăng dầu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" thì chính là do khâu quản lý. Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, trước mắt có thể là vẫn bằng biện pháp hành chính, về lâu dài thì phải là giải pháp kinh tế.

Bình luận về ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng điều hành giá xăng dầu chỉ coi trọng thành tích là giữ giá xăng dầu ổn định, không chú ý đến lợi ích của các doanh nghiệp xăng dầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, những ý kiến này là chưa chuẩn xác, không thỏa đáng, chỉ nhìn một phía, không nhìn toàn cục. Ông dẫn chứng, trong thực tế, khi các khoản chi phí của doanh nghiệp bị đội lên, cơ quan quản lý nhà nước đã điều chỉnh tăng chi phí định mức liên quan đến nguồn xăng dầu nhập khẩu kể từ kỳ điều hành giá ngày 11/10/2022.

Do đó, để ngăn tình trạng các cây xăng đóng cửa hiện nay, Bộ Công thương cần tiếp tục chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn hàng có mức giá tốt, tiết giảm chi phí.