Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chính sách tài khóa tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL.
Gia hạn, giảm thuế, phí trong trước mắt cũng như lâu dài
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, triển khai các nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm phục hồi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách trong trước mắt cũng như lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chính sách tài khóa vừa có tính giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề cho lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; đồng thời, gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
“Theo nghị định này, khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Chính sách này theo chúng tôi đánh giá, sẽ gia hạn khoảng 180 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô.
Bộ trưởng cho biết, dự kiến khi các nghị định được ban hành, tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như tăng khả năng về vốn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng.
Sẽ đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp tới đây về quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ 1/7/2020.
Người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, dự kiến áp dụng thuế suất 15 - 17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. “Nếu chính sách này được thông qua, sẽ tác động tới 700 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động được hưởng lợi. Qua đó, giảm nghĩa vụ nộp NSNN năm 2020 của số doanh nghiệp này khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.
Ngoài các giải pháp nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, đồng thời, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Nếu chính sách này được thông qua, sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để tăng thêm cho chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Cụ thể: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện do doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài...; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính. Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.
Bộ trưởng cho biết: “Theo thẩm quyền, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư điều chỉnh giảm giá từ 10 - 50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn đối với giá 6 nhóm dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Chính sách này đã tác động rất tốt đến thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Đã dành 16,2 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bên cạnh các giải pháp về chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã cùng với các ngành báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nguồn lực thích đáng để phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể đã dành 16,2 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch. Trong đó có khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để mua sắm trang thiết bị y tế.
Dự kiến trong thời gian tới, chi cho phòng, chống dịch tiếp tục tăng thêm để tăng cường khả năng ứng phó chi cho đại dịch này.
Thời gian qua, đã dành 6,7 nghìn tỷ đồng chi cho chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có tiền ăn cho người cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian bị cách ly...
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, tới đây báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng dành 36 nghìn tỷ đồng từ NSNN để thực hiện nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu từ thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hỗ trợ thêm cho một số đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch./.
Minh Anh