Với phong thái tự tin, trả lời bằng nhiều con số dẫn chứng cụ thể và tiết kiệm thời gian, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã cơ bản giải đáp được các vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.

Thêm nguồn lực để cải cách tiền lương

Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Tao Văn Giót (Lai Châu) về việc tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương thế nào, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách...

“Mục tiêu là cải cách hệ thống bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc này tác động lớn để có nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế tiết kiệm được 25,6 nghìn tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế đã tiết kiệm được 25,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng, nguồn này được đưa vào cải cách tiền lương. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương. Tới đây, sẽ tiếp tục thực hiện để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.

Vấn đề tinh giản biên chế được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết, ngày 18/7/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó yêu cầu giai đoạn này toàn hệ thống chính trị tinh giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết có những giải pháp nào để đạt được mục tiêu nêu trên.

Theo Bộ trưởng, phải đồng sức đồng lòng mới thực hiện được các mục tiêu nêu trên. Đầu tiên phải thực hiện tốt sắp xếp, cải cách bộ máy đơn vị hành chính bên trong từ trung ương tới địa phương. Trung ương gương mẫu và địa phương cùng thực hiện. Hiện nay các đơn vị sự nghiệp cấp bộ còn 753 đầu mối, nhưng nếu đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ thì giữ, còn lại phải sắp xếp lại. Ngoài ra, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện khung năng lực vị trí việc làm, xác định biên chế của cơ quan đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp, làm cơ sở để xác định biên chế. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính để số lượng người không nhiều, nhưng vẫn đáp ứng được công việc đề ra.

Đánh giá cán bộ còn chưa sát thực tiễn

ĐB Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cho rằng, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức vẫn chưa thực chất. Theo ĐB, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức luôn là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá, xếp loại vẫn còn biểu hiện chưa thực chất, thậm chí có hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ đã và sẽ triển khai giúp cho công tác đánh giá cán bộ được chính xác và phản ảnh thực chất trong thời gian tới?

Đây cũng là vấn đề được ĐBQH đề cập qua nhiều năm. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đánh giá cán bộ nên kết quả có chuyển biến tích cực. Năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22%, trong khi trước đó là 30%; số không hoàn thành nhiệm vụ từ 1,7% những năm trước xuống chỉ có 0,5-0,6%.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế tiết kiệm được 25,6 nghìn tỷ đồng
ĐB Lê Thanh Vân chất vấn về trọng dụng nhân tài.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đúng là về tổng thể, việc đánh giá chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả, như ĐBQH nêu.

Để đánh giá kết quả công việc tốt hơn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, liên thông quy định của Đảng theo hướng xuyên suốt, đa chiều; tập trung hoàn thành xác định vị trí việc làm, khung năng lực làm cơ sở đánh giá cán bộ, công viên chức. Các bộ, ngành địa phương căn cứ vào quy định để xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, làm động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cơ quan đơn vị cũng cần ứng dụng công nghệ để việc đánh giá cán bộ được hiệu quả, minh bạch, công bằng.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh” là thuật dùng người cũng là luật trị quốc. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, trong đó chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bộ trưởng với nhiệm vụ quyền hạn của mình đã làm gì để biến chủ trương trên thành pháp luật, thành quy tắc xử sự có tính chất áp dụng chung?

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thanh Vân, Bộ trưởng cho biết đây là một trong những vấn đề được Bộ đặc biệt quan tâm. Trọng dụng nhân tài đó là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, đã thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước. Để cụ thể hóa Kết luận 86 của Bộ Chính trị, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, đã thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Nhưng điều quan trọng là các địa phương đều quan tâm đặc biệt đến chủ trương của Đảng, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp để trọng dụng nhân tài.

Theo Bộ trưởng, các địa phương đã thu hút sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được gần 3.000 người, “tuy nhiên, con số đó còn quá ít ỏi so với khu vực công”.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ Nội vụ sẽ trình Đề án quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài, sẽ có cơ chế hấp dẫn để thu hút nhân tài. “Cố gắng năm tới có nghị định bao quát để có bộ chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với đó là chế độ khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói./.

Sẽ có nghị định về đạo đức công vụ sau khi nhiều cán bộ bị kỷ luật

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc thời gian qua, nhiều cán bộ công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, Bộ trưởng cho biết, đã có 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật. Cán bộ là đảng viên, công chức viên chức bị xử lý kỷ luật là hơn 20.300 người, trong đó có cả xử lý hình sự.

“Con số này chiếm khoảng 1% tổng số cán bộ công chức, viên chức là con số lớn nhất từ trước đến nay. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, cần thực hiện nghiêm theo tinh thần tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng, phòng chống tham nhũng và kỷ cương kỷ luật công vụ. Bộ sẽ tham mưu ban hành nghị định về đạo đức công vụ, để siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ, để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, phục vụ nhân dân” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.