Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với lĩnh vực tài chính và ngoại giao Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về hiện tượng "từ chối thẩm định giá" Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nút thắt của nền kinh tế là pháp lý, thủ tục đầu tư, tín dụng…

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, các Bộ trưởng với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng, cũng như đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. UBTVQH, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết của các Bộ trưởng tại phiên chất vấn này.

Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu bế mạc phiên chất vấn

Triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá

Khái quát một số nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành tài chính đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng.

Theo đó, thị trường bảo hiểm phát triển nhanh, các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.

Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính được triển khai thực hiện, cơ bản bảo đảm đúng quy trình, thời hạn theo quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường.

Cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng đã tương đối đầy đủ và đang được nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện.

Thủ tục hải quan đã được đơn giản, hài hòa hóa, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu chứng từ, giấy tờ, hạn chế các tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được tăng cường, không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu đề ra, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời tại phiên chất vấn

Thị trường bảo hiểm nhân thọ phát sinh một số vấn đề chưa lành mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, ngành Tài chính vẫn còn những hạn chế nổi lên như: thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề chưa lành mạnh về chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng; thủ tục giải quyết về bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn, rườm rà.

Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng còn bất cập, còn tình trạng nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc người vay mua bảo hiểm, hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Còn xảy ra hiện tượng phần lớn khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng đã hủy hợp đồng ngay sau khi ký, chấp nhận mất số phí bảo hiểm đã đóng.

Bên cạnh đó, còn tình trạng các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính vi phạm các quy định của pháp luật dẫn đến bị xử lý, đình chỉ hành nghề, đình chỉ kinh doanh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Một số sai phạm của cá nhân phải xử lý hình sự. Một số doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị cho hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng không hiệu quả… Công tác quản lý Nhà nước về giá còn những tồn tại, hạn chế cả về quản lý chuyên ngành và quản lý tổng hợp. Một số bộ, ngành chưa chủ động và quyết liệt trong việc đề xuất phương án giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá…

Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề.

Đó là, tìm giải pháp phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế; đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm… Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về việc thẩm định, cấp phép hoạt động các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam…

Hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Đến năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP. Từng bước tái cơ cấu thị trường theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý kinh doanh xổ số…

Đối với công tác quản lý giá, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá, nhất là quy định về Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường; các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. Đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm khả năng kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương...

Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành hải quan số

Trong lĩnh vực hải quan, yêu cầu đặt ra là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hải quan số; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân, doanh nghiệp và được tích hợp với Hệ thống một cửa quốc gia…, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.