Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: “Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực vô cùng quan trọng. Sức mạnh của giáo dục, văn hóa là sức mạnh của dân tộc”.
Do đó, Chính phủ và Bộ Tài chính luôn quan tâm và dành sự ưu tiên hàng đầu trong việc bố trí nguồn lực và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đồng tình với việc cần sớm có nghị định sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và một số văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách tài chính, quản lý sử dụng tài sản công và huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển giáo dục, đào tạo.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị chuyên môn của hai bộ cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời và phải xem là việc chung để có những giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đổi mới giáo dục bên cạnh việc tạo cơ chế tài chính phù hợp thì cần quan tâm đến cơ sở vật chất, đến đổi mới phương pháp giảng dạy. Do vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, ngành sư phạm cần phải có cơ chế đặc biệt và cần có sự quan tâm từ trung ương đến các địa phương.
Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Bộ Tài chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các hoạt động từ công tác xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách, phân bổ dự toán hàng năm đến công tác xây dựng cơ chế chính sách đặc thù của ngành Giáo dục…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ để ngành Giáo dục có đủ các điều kiện và nguồn lực để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn 2021-2025 theo đúng yêu cầu và quan điểm của Đảng đã đề ra: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước”.
Tại buổi làm việc, các đại biểu của hai Bộ đã tập trung thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; việc cân đối, bố trí nguồn lực bảo đảm cho toàn ngành theo Nghị quyết 37 và Luật Giáo dục 2019; ưu tiên nguồn vốn vay ODA để nâng cao năng lực đào tạo, cơ sở vật chất; việc tăng cường phân cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phân bổ và điều hành ngân sách…/.
P.V