Buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, nguyên nhân do đâu?

Đối tượng và tang vật của một vụ buôn lậu vàng do lực lượng chức năng Tây Ninh bắt giữ. Ảnh: TL.

Phát hiện nhiều vụ quy mô “khủng”

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong vài năm trở lại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới và đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây quy mô rất lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD.

Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc tỉnh Tây Ninh, khởi tố vụ án, khởi tố 18 bị can về tội buôn lậu. Tang vật thu giữ được 198 kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỷ đồng và các phương tiện, thiết bị; trị giá thu giữ được tương đương gần 250 tỷ đồng. Mở rộng điều tra, tính riêng trong hai tháng 8, 9 năm 2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.

Chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo tỉnh Quảng Trị do Nguyễn Thị Hóa cầm đầu, đã khởi tố vụ án, khởi tố 20 bị can về tội buôn lậu. Kết quả điều tra ban đầu xác định từ năm 2022 đến nay, các đối tượng đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng để bán cho các cửa hàng vàng trong nước thu lời bất chính.

Một số chuyên án khác như vụ “Mười Tường” ở An Giang, bắt quả tang các đối tượng vận chuyển 51 kg vàng với giá trị hơn 70 tỷ đồng từ Campuchia Châu Đốc, tỉnh An Giang. Vụ lực lượng chức năng Long An bắt quả tang đối tượng buôn lậu 39 kg vàng (trị giá 54 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam. Vụ Tây Ninh bắt 3 đối tượng, thu 54 kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 miếng vàng 9999 và 1,2 tỷ đồng tiền mặt,…

Theo Ban Chỉ đạo 389, thực tế trên cho thấy, tình hình buôn lậu vàng diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với cư dân biên giới qua lại công khai giữa hai nước để cất giấu vàng trong các phương tiện, lẫn trong hàng hóa nông sản hay lợi dụng đường mòn, sông nước hiểm trở, đêm tối để vận chuyển vàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Địa bàn vi phạm chủ yếu trên các tuyến biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia tại các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh và biên giới khu vực miền Trung giáp Lào thuộc Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Sau khi đưa vàng lậu qua biên giới, đối tượng chia thành nhiều công đoạn để vận chuyển về các tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Bắt được nhưng không xử lý được

Buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, nguyên nhân do đâu?

Phân tích nguyên nhân, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thị trường vàng trong nước mặc dù có diễn biến theo xu thế thị trường vàng quốc tế, nhưng biên độ, nhịp độ chưa đều, thường phản ánh chậm hơn dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá vàng miếng SJC với vàng nguyên liệu và chênh lệch giữa giá mua vào bán ra.

Bên cạnh đó, vàng là hàng hóa không truy nguyên được nguồn gốc, chỉ xác định đặc tính hóa lý theo hàm lượng tỷ trọng vàng. Đối với vàng miếng có nguồn gốc nhập lậu từ Thụy Sĩ, Singapore, các đối tượng đều khò, đốt chảy, xóa chữ, ký hiệu trước khi vận chuyển vào trong nước, do đó cũng không có cơ sở xác định vàng có nguồn gốc nước ngoài. Trong khi đó vàng nguyên liệu, vàng khai thác và vàng trôi nổi có nguồn gốc trong dân chưa được quản lý chặt chẽ nên hầu hết việc bắt giữ khi các đối tượng mua bán, vận chuyển trong nội địa đều không xử lý được. Nhiều vụ sau khi bắt giữ đã phải trả lại vàng cho đối tượng do không có căn cứ xác định nguồn gốc bất hợp pháp.

Ở góc độ chính sách, lâu nay, Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, để tránh “vàng hóa” nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép nhập khẩu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài. Điều này phần nào dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Mặt khác, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tác động đến nguồn cung vàng miếng trong nước, dẫn đến hiện tượng chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước nhất tăng cao.

Trong khi đó, chính sách quản lý vàng của thế giới khá “thoáng” với mức thuế, phí thấp và đặc biệt là các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, giá vàng rẻ hơn so với Việt Nam. Tại Hồng Kông, Singapore đều có các sàn giao dịch vàng lớn, uy tín trên thế giới, được Tập đoàn Metalor của Thụy Sĩ đặt các nhà máy tinh chế vàng nhằm thu mua nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm vàng thanh cung cấp cho thị trường châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chủ yếu cung cấp thông qua các đầu nậu tại Campuchia. Do vậy, các đối tượng buôn lậu trong nước dễ dàng tiếp cận nguồn vàng và giao dịch theo chỉ số giá thế giới.

Xác định rõ nguyên nhân, các lực lượng chức năng đã chủ động nắm và dự báo tình hình, đồng thời tới đây sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu vàng.

Gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước

Tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới để thu lợi, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.