kt

Toàn cảnh hội thảo

Trẻ khuyết tật được đi học tăng 10 lần

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, công tác quản lý, giáo dục học sinh khuyết tật ngày càng thực hiện hiệu quả và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đã có 1.300 nhà trẻ, 71.873 trẻ mẫu giáo, 52.606 học sinh tiểu học, 14.073 học sinh trung học cơ sở, hơn 2.300 học sinh trung học phổ thông là học sinh khuyết tật đã được đến trường. Nhiều học sinh khuyết tật tốt nghiệp trung học phổ thông và các trường cao đẳng, đại học đã đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo số liệu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, năm 1996 cả nước có 42.000 trẻ khuyết tật được đi học, đến năm 2015 đã có hơn nửa triệu trẻ khuyết tật được đến trường. Trong 20 năm qua, số lượng trẻ khuyết tật được đi học đã tăng lên 10 lần.

Ông Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Số trẻ khuyết tật đi học không chỉ tập trung ở cấp mầm non, tiểu học, trung học mà còn theo học ở trình độ đào tạo như: Dạy nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học.

"Tuy nhiên, các sơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt còn hạn chế về số lượng và chất lượng còn hạn chế. Các trường này chủ yếu tiếp nhận trẻ khuyết tật nhẹ và trung bình, còn trẻ khuyết tật nặng và ở trẻ khuyết tật ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa chưa có nhiều cơ hội đến trường. Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật chỉ tập trung ở một số tỉnh/thành phố nên chưa hình thành mạng lưới hỗ trợ trẻ khuyết tật", ông Mục cho hay.

Thiếu giáo viên chuyên biệt

GS.TS Trần Quang Phong cũng cho biết, hiện nay có hơn 100 cơ sở giáo dục có khuyết tật chuyên biệt, nơi nghiên cứu rèn luyện những đối tượng khuyết tật khác nhau và dạy trẻ khuyết tật. Hàng nghìn học sinh khuyết tật được học tập, lĩnh hội kiến thức để học cao hơn, tiếp thu kiến thức, hòa nhập cộng đồng.

“Tuy nhiên, nhiều chính quyền địa phương, nhà trường, cán bộ, giáo viên chưa thấy trách nhiệm cao, mà còn coi việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật chỉ như việc làm thêm, từ thiện và các em chỉ có thể học tập tại các cơ sở giáo dục trẻ chuyên biệt. Phụ huynh học sinh khuyết tật chưa nhận thức đầy đủ về khả năng của con mình nên cam chịu, không tạo điều kiện cho trẻ phát triển, học tập”, ông Phong cho hay.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, so với những năm trước, giáo dục khuyết tật đã có nhiều tiến bộ về mặt chính sách và đặc biệt là sự phát triển về nguồn nhân lực, tuy nhiên đội ngũ đó chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Hơn nữa, nhiều giáo viên cũng chưa được bồi dưỡng chuyên môn sâu, một số giáo viên chưa thực sự tâm huyết với nghề.

“Để cải thiện được tình trạng thiếu giáo viên dạy trẻ khuyết tật, Bộ GDĐT đang đưa chương trình giáo dục hòa nhập vào trong chương trình đào tạo của giáo viên để tất cả các giáo viên có khả năng dạy được trẻ khuyết tật”, Thứ trưởng Nghĩa cho biết.

“Chưa có thống kê cụ thể nào về lượng giáo viên dạy trẻ khuyết tật bị thiếu hụt, tuy nhiên giáo viên được đạo tạo chuyên biệt trong lĩnh vực này chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay. Vì vậy bên cạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực là giáo viên có khả năng dạy trẻ khuyết tật, cần có sự giúp đỡ của các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, các tổ chức xã hội và cả cộng đồng để đảm bảo cho trẻ khuyết tật có quyền hưởng nền giáo dục có chất lượng”, thứ trưởng Nghĩa chia sẻ./.

Hồng Quyên