9

Bộ Tài chính luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cải cách hành chính.

Sở dĩ như vậy bởi vì trong xếp hạng những năm trước, Bộ Tài chính luôn là đơn vị dẫn đầu, hoặc là đứng thứ nhất hoặc là đứng thứ hai trong cải cách hành chính. Việc tiếp tục duy trì vị trí top đầu về cải cách hành chính mà ngành đã đạt được trong những năm qua thể hiện tính chủ động của Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ này.

PV: Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương. Theo kết quả được công bố, Bộ Tài chính đứng thứ 2/17 bộ, ngành về cải CCHC năm 2020, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 94,84%. Ông có bình luận gì về kết quả này của Bộ Tài chính?

TS. Nguyễn Minh Phong: Thực ra đây không phải là một kết quả bất ngờ, bởi vì trong xếp hạng những năm trước, Bộ Tài chính luôn là đơn vị dẫn đầu, hoặc là đứng thứ nhất hoặc là đứng thứ hai trong CCHC. Vì vậy kết quả lần này là tiếp tục truyền thống đó. Điều đó cho thấy rằng, Bộ Tài chính đã xứng đáng là đơn vị luôn đi đầu, giữ vững được phong độ của mình trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và phát triển chính phủ điện tử nói riêng. Điều này đã, đang và sẽ giúp ích nhiều cho quá trình quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

pv
TS. Nguyễn Minh Phong

PV: Ông đánh giá thế nào về tính chủ động của Bộ Tài chính trong cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây?

TS. Nguyễn Minh Phong: Do vị trí, chức năng đặc thù của mình trong quản lý nhà nước, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành quản lý nhiều TTHC nhất, cũng vì vậy mà luôn tập trung rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước cũng như hỗ trợ DN. Đặc biệt, 55% các thủ tục đã được kết nối dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 - là một trong những điều khẳng định kết quả rất đáng ghi nhận của Bộ Tài chính trong giảm thiểu các thủ tục.

Kết quả này là minh chứng cho thấy tính chủ động của Bộ Tài chính trong việc cắt giảm các TTHC. Bộ Tài chính thường xuyên có những công văn chỉ đạo nội bộ cũng như tuân thủ bám sát chỉ đạo của Chính phủ để triển khai rất tích cực quá trình cắt giảm này. Những con số về số TTHC được cắt giảm rõ ràng là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với gần 900 TTHC thuộc thẩm quyền đang quản lý thì vẫn còn dư địa để Bộ Tài chính tiếp tục chủ động cắt giảm hơn nữa và tôi tin rằng, Bộ sẽ tiếp tục trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong cải cách TTHC trong kỳ đánh giá tiếp theo.

PV: Theo ông, những kết quả này có tác động thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19?

TS. Nguyễn Minh Phong: Việc cắt giảm này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực hỗ trợ người dân và DN giảm bớt các chi phí trong tuân thủ quản lý tài chính của Nhà nước đối với các hoạt động của DN và người dân, giảm cả về thời gian, chi phí cũng như giảm bớt được những tổn thương xã hội khác do Covid gây ra. Rõ ràng việc này đã giúp ích không chỉ cho DN mà còn cho môi trường đầu tư, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Dưới góc độ của chuyên gia, ông có gợi ý gì thêm cho ngành Tài chính để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong hỗ trợ người dân và DN?

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, có một số điểm mà Bộ Tài chính có thể lưu ý từ góc độ thực tiễn. Nếu chỉ cắt giảm thủ tục và hướng dẫn một cách đơn giản trên các cổng thông tin cũng như các đơn vị làm nghiệp vụ thì DN nhiều khi rất khó tiếp thu và thực hiện hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, nên có mẫu, trong mẫu đó không phải bỏ trống nội dung mà quan trọng nhất là mẫu đó có nội dung chuẩn để các DN làm theo. Ví dụ việc kê khai các chi phí nếu chỉ có đầu mục kê khai thì rất chung chung và khó hiểu, đặc biệt là khi những con số chuẩn làm căn cứ cho các DN bám vào đó kê khai hợp pháp, tránh trường hợp kê khai quá thấp hoặc quá cao, vượt giới hạn cho phép hay không tới giới hạn, bị làm lại đều thiệt thòi cho DN. Mẫu có nội dung chuẩn được công khai là điều rất quan trọng giúp cho DN làm tốt và giúp ngăn chặn những khó khăn phát sinh.

Một điều lưu ý nữa là nên tập trung vào công tác rà soát. Bởi vì hiện nay, ngành Tài chính đang ngày càng chuyển sang hậu kiểm nhiều hơn, nếu hậu kiểm tốt thì việc “bắt tay”, qua mặt cơ quan quản lý gây thất thoát ngân sách sẽ không còn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính xem xét phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát vốn đăng ký của DN kinh doanh mới. Qua thực tế mấy năm vừa qua, xuất hiện những DN “khủng” mà cuối cùng được phát hiện không có tiền, chỉ có chất xám, tức là rất không nghiêm túc, biến quản lý nhà nước và những con số thống kê về vốn đăng ký kinh doanh trở thành trò đùa, không đáng tin cậy. Như vậy, rõ ràng cần có những chế tài quy định để lọc bỏ những DN ma như vậy.

Cuối cùng, việc công khai, tuyên dương những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực vào NSNN là cần thiết và cần phải được làm thường xuyên, nhân rộng. Những vấn đề này được triển khai đồng bộ sẽ nâng cao hiệu quả quản lý của ngành.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 236 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 73 thủ tục hành chính. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 895 thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối 285/520 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 55%).

Luyện Vũ (thực hiện)