Cán bộ KBNN đang làm thủ tục chi trả vốn ngân sách cho khách hàng.
Đặc biệt, với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có nhiều bất cập đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, giúp cho công tác kiểm soát chi nguồn vốn này ngày càng thuận lợi.
Cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi
Báo cáo từ KBNN cho biết, từ một quốc gia nhận viện trợ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã chuyển dần sang vị thế của nước đối tác; quan hệ của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng nhà tài trợ từ năm 2013 đến nay đã chuyển sang quan hệ đối tác về chính sách, cùng phấn đấu vì các mục tiêu phát triển chung. Theo đó, nhiều nguồn vốn như ODA và các vốn vay ưu đãi đã được huy động từ nước ngoài cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách cho nguồn vốn này liên tục thay đổi trong những năm gần đây đã gây khó khăn cho việc thực hiện và tổ chức quản lý, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như tiến độ KSC của hệ thống KBNN và giải ngân cho các dự án.
Theo ý kiến của một số cán bộ làm công tác KSC tại KBNN, quy trình kiểm soát nguồn vốn ngoài nước đã có nhiều bất cập so với những quy định hiện hành cả về thời gian, trình tự kiểm soát cũng như quy định về hồ sơ, chứng từ gửi đến KBNN nơi dự án mở tài khoản để thực hiện kiểm soát, xác nhận nguồn vốn ngoài nước. Hơn nữa, việc thực hiện KSC của KBNN còn thực hiện thủ công, mất nhiều công sức và thời gian của cán bộ KSC. Thực tế cho thấy, thời gian dành vào việc kiểm soát hồ sơ và tổng hợp báo cáo của KBNN chiếm rất nhiều, vì vậy công chức KSC không có thời gian để nghiên cứu cơ chế, nghiệp vụ, để đề xuất cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng KSC.
Hơn nữa, quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ chưa hài hòa, còn nhiều điểm khác biệt cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác KSC cũng như việc bổ sung, hoàn thiện chứng từ của các chủ đầu tư nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, hạn chế trong việc thực hiện thông báo kế hoạch vốn còn chậm và phải qua nhiều bước mất nhiều thời gian cho các chủ đầu tư. Cùng với đó là việc phân bổ kế hoạch vốn ngoài nước của các cơ quan chủ quản từ năm 2016 cho các dự án chưa thực sự sát với thực tế thực hiện, dẫn đến các dự án phải điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần, cũng như không đủ kế hoạch vốn để thực hiện kiểm soát.
Sửa đổi, bổ sung kịp thời giúp công tác KSC thuận lợi
Với các bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó bổ sung quy định kiểm soát chi nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Cụ thể, việc KSC và thanh toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi áp dụng theo các quy định hiện hành đối với nguồn vốn NSNN. KBNN các cấp thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của dự án hoặc hợp phần dự án được NSNN cấp phát; dự án áp dụng cơ chế cấp phát một phần, vay lại một phần theo tỷ lệ và dự án vay lại của UBND cấp tỉnh. Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của dự án hoặc hợp phần dự án áp dụng cơ chế vay lại toàn bộ. Đối với các chương trình, dự án khác, Bộ Tài chính xác định cơ quan KSC phù hợp, bảo đảm nguyên tắc không có hai cơ quan KSC cùng kiểm soát một hoạt động chi tiêu của dự án.
Theo đánh giá từ phía KBNN, các vướng mắc được sửa đổi, bổ sung kịp thời đã giúp cho công tác KSC nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thuận lợi hơn rất nhiều. Nhất là thời gian và trình tự kiểm soát đã được cải tiến, bỏ bớt các quy định không cần thiết đã giúp việc KSC được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đặc biệt, với việc cho phép mở tài khoản chỉ định của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi tại KBNN đã giúp giảm được chi phí (phí chuyển tiền cho nhà thầu của các ngân hàng phục vụ) do hệ thống KBNN là cơ quan của nhà nước không thu phí dịch vụ chuyển tiền. Đồng thời số liệu hạch toán ghi thu ghi chi được phản ánh kịp thời vào NSNN ngay khi tiền ra khỏi NSNN (như đối với nguồn vốn trong nước hiện nay), do vậy không có sự chênh lệch giữa số giải ngân và số hạch toán vào NSNN như hiện nay. Đây là cơ sở vững chắc trong việc điều hành NSNN của các cấp.
KBNN cho biết, với các cải tiến của quy trình KSC nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, KBNN tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ KSC các dự án sử dụng vốn NSNN qua hệ thống KBNN nói chung và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nói riêng.Việc tập huấn, cập nhật kiến thức được thực hiện trên cơ sở yêu cầu về thay đổi cơ chế chính sách, thay đổi về phương thức KSC sẽ giúp các cán bộ nắm bắt cả tổng thể và sâu rộng các kiến thức giúp cho công việc được trôi chảy hơn.
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục xây dựng ý thức, tác phong tự nghiên cứu học tập của công chức thực hiện nhiệm vụ KSC bởi vì hoạt động KSC có đặc thù riêng. Bên cạnh đó, việc tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh của công chức thực hiện nhiệm vụ KSC NSNN cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi lĩnh vực KSC là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến chi tiêu của ngân sách, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt sẽ dễ bị lợi dụng quyền hạn để làm sai quy định, dẫn đến thất thoát tiền của ngân sách.
Vân Hà