trinh dinh dung

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Công ty Giày Thái Bình Ảnh: VGP/Xuân Tuyến.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam, với lợi thế về giá công lao động rẻ và các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, trong nhiều năm qua, ngành đã phát triển mạnh mẽ. Với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 14,9 tỷ USD sản phẩm da, giày, túi xách. Con số này của 9 tháng đầu năm 2016 là 11,72 tỷ USD.

Con số thống kê cho thấy, ngành da giày liên tục chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của cả nước với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 10%. Dự kiến đến năm 2020, ngành sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD/năm.

Từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, về số lượng chiếm 4,6% và về trị giá chiếm 9,2% tổng xuất khẩu giày dép toàn cầu. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới gần 50 nước. Tại các thị trường chính là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Sản phẩm túi xách cũng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại gần 40 nước trên thế giới.

Toàn ngành hiện có 700 doanh nghiệp, sử dụng 1,5 triệu lao động. Trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp nước ngoài, sử dụng khoảng 50% lao động, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.

Giá trị vẫn thấp

Ông Thuấn cho biết, hiện tại ngành da giày Việt Nam mới chỉ chiếm 20-25% chuỗi giá trị. Những giá trị đó chủ yếu đến từ 2 khâu là nghiên cứu phát triển và gia công sản xuất. Trong khi đó, giá trị lớn hơn nằm ở thương hiệu, phân phối sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.

Tại buổi làm việc, trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về những điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp da, giày, túi xách Việt Nam nói chung, không phân biệt doanh nghiệp vốn trong nước hay nước ngoài, ông Thuấn cho biết ngành da giày Việt Nam hiện có lợi thế lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có đội ngũ công nhân, thợ kỹ thuật lành nghề với trình độ tay nghề ở mức cao so với thế giới. Do đó, đây chính là lợi thế rất lớn để phát triển ngành công nghiệp da, giày, túi xách trong thời gian tới.

Với việc Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ có hiệu lực trong những năm tới, nhất là Hiệp định FTA Việt Nam-EU, ngành da giày Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa và mở rộng thị trường xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm sản xuất sản phẩm da giày lớn của thế giới trong những năm tới.

Chủ tịch Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam cũng chỉ ra những yếu kém của ngành, trong đó quan trọng nhất là các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, hiện nay ngành chế tạo máy, cơ khí chính xác đang không có khả năng sản xuất ra những máy móc, khuôn mẫu cho sản xuất. Thực tế là các doanh nghiệp da giày Việt Nam đang phải chịu chi phí rất lớn để nhập khẩu máy móc từ nước ngoài.

Hạn chế tiếp theo là việc các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, trong khi đây lại chính là khâu đặc biệt quan trọng, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm. Ông Thuấn khẳng định, nếu các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ được khâu R&D thì sẽ nâng cao đáng kể giá trị trong cả chuỗi giá trị toàn ngành.

Một hạn chế rất căn bản nữa là chất lượng đào tạo ngành da giày, ngành thiết kế thời trang… chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo không sát với thực tế, không theo module nghề, trong khi đó, các trung tâm nghiên cứu hiện có do Bộ Công Thương quản lý hầu như không có liên kết gì với doanh nghiệp.

Nâng cao vai trò của Hiệp hội

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành da, giày, túi xách là ngành công nghiệp chủ lực, có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào xuất khẩu, rất phù hợp với điều kiện, khả năng của Việt Nam.

“Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách phát triển ngành da, giày, túi xách và các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Các bộ, ngành phải rà soát xem các quy định, chính sách hiện có phù hợp, đi vào cuộc sống không, có còn đủ hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào ngành da giày nữa không”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng rất ấn tượng với sự phát triển của ngành thời gian qua, trong đó các doanh nghiệp vốn trong nước đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng, nhanh chóng tiếp cận trình độ phát triển chung của thế giới. Các khâu tổ chức, quản lý sản xuất, nghiên cứu phát triển, trang thiết bị, công nghệ, mạng lưới phân phối được quan tâm đầu tư, đạt nhiều tiến bộ quan trọng.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành da, giày, túi xách Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Việc gia công để xuất khẩu vẫn chiếm tỉ lệ lớn với trên 70% doanh nghiệp tham gia. Nguồn cung nguyên, phụ liệu chủ yếu là từ nước ngoài, các nguyên phụ liệu trong nước chất lượng còn thấp, dây chuyền, thiết bị còn chưa đồng bộ. Những yếu tố này đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp là khắc phục tồn tại yếu kém để phát triển ngành da giày thành ngành có giá trị sản xuất lớn, sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Muốn vậy, phải phát triển một cách mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành da giày. “Trong quá trình đó, Hiệp hội Da, Giày có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với Nhà nước. Hiệp hội phải chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.

Một nhiệm vụ rất quan trọng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý là phải động viên, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho khâu nghiên cứu, phát triển. “Các doanh nghiệp có thể liên danh, liên kết với nhau để tạo ra các trung tâm R&D quy mô, hiện đại. Hiệp hội Da, Giày, Túi xách cũng phải có một trung tâm R&D lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện. Đây là yếu tố quyết định để có thể nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, là cốt lõi của việc phát triển ngành da giày Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng gợi ý tỉnh Bình Dương và các địa phương nghiên cứu xây dựng một số khu, cụm công nghiệp tập trung ngành da giày để có thể phát huy tối đa hiệu quả của cơ sở hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị.

Đối với lĩnh vực đào tạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, Hiệp hội và các doanh nghiệp da giày có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng mới, phát triển, đổi mới các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hiện có. Trước mắt, có thể liên kết, xây dựng mô hình mẫu, đưa những cơ sở nghiên cứu của Nhà nước đến với doanh nghiệp./.

Theo chinhphu.vn