Chủ động số hóa quy trình sản xuất
Ngành dệt may - da giày là một trong những ngành sản xuất gia công chủ lực với kim ngạch xuất khẩu cao và sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động. Đối với ngành dệt may, mặc dù còn đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng ngành đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường. Doanh nghiệp (DN) đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ… Nhờ những giải pháp trên, 10 tháng năm 2022 ngành dệt may xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% (so với cùng kỳ năm 2021). Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 43,9%. Để đạt được thành quả như trên là nỗ lực cực lớn của các DN trong ngành.
Ngoài sản phẩm may mặc, ngành dệt may đã xuất khẩu đa dạng các mặt hàng: vải các loại đạt 2,13 tỷ USD, xơ sợi 4 tỷ USD, vải không dệt 147 triệu USD… Giai đoạn 2023 - 2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các DN. Dù còn khó khăn, nhưng những dấu hiệu khởi sắc trong năm tới vẫn rõ nét, ngành dệt may hướng mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 45-47 tỷ USD.
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung |
Đối với ngành da giày, ngành hiện đang đứng hàng thứ 5 trong tốp các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tuy nhiên vẫn là một ngành chưa được công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày cả nước 9 tháng năm 2022 đạt được 21 tỷ USD. Riêng TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày 9 tháng năm 2022 của thành phố đạt 1,8 tỷ USD, tăng 46%. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được các DN ngành da giày tận dụng rất tốt, lên tới trên 90%. Riêng với Hiệp định CPTPP hầu như thị trường nào cũng tăng trưởng, đặc biệt Canada tăng rất mạnh, tới 65%; khối thị trường Bắc Mỹ chiếm tới 46% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là một yếu tố giúp tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày rất tốt từ đầu năm đến nay.
Chính vì vậy, để đón đầu và nắm bắt các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại, các ngành xuất khẩu Việt Nam nói chung và ngành dệt may - da giày nói riêng cần đầu tư các quy trình tự động hóa, áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để đạt được nhiều đơn hàng chất lượng.
Nhiều thách thức trong bối cảnh mới
Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch, giúp kinh tế phục hồi sớm hơn kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9%. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 94,2 tỷ USD, tăng 11,5%. Riêng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 của DN TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 40,8 tỷ USD, tăng hơn 13,4%.
Trong khi đó, ngành dệt may - da giày được đánh giá là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn (đứng thứ hai sau dầu thô). Đặc biệt DN thuộc hai lĩnh vực này tập trung phần lớn ở TP. Hồ Chí Minh, với năng lực sản xuất tương đương 40-50% cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế mới như hiện nay, tác động của dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới sự suy thoái của nhiều nền kinh tế trên thế giới, ngành dệt may - da giày của nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn như: các thị trường nhập khẩu lớn tiếp tục giảm đơn hàng, trong khi nhiều thị trường thời gian gần đây liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu sau này càng nghiêm ngặt hơn yêu cầu trước, trong đó nổi bật là “Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn” với tầm nhìn đến năm 2030 do khối Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.
Ngành dệt may - da giày sẽ phát triển theo 7 khu vực Theo quy hoạch phát triển ngành dệt may - da giày giai đoạn 2022 - 2026, ngành dệt may - da giày sẽ phát triển theo 7 khu vực, trong đó khu vực phía Nam gồm vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may của cả nước. |
Trong khi đó, ngành dệt may da giày lại là một trong những ngành sản xuất gia công chủ lực của Việt Nam, đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động, tài nguyên. Vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là thách thức lớn. Bên cạnh đó, các nhãn hàng thời trang thế giới đánh giá sự phát triển đồng hành của các DN gia công trên cơ sở tuân thủ các quy định về môi trường, xã hội và trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để DN tập trung đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu với người tiêu dùng.