Giải ngân đạt 54,3% kế hoạch vốn được giao

Năm 2023, TP. Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) trên 7.875 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương (NSĐP) trên 5.144 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương (NSTW) trên 2.730 tỷ đồng.

Đến nay TP. Cần Thơ đã thực hiện 6 lần điều chỉnh, giao chi tiết với tổng số vốn đã giao gần 8.536 tỷ đồng, tăng trên 1.178 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ các nguồn vốn kết dư NSĐP. Đồng thời, nguồn vốn NSĐP năm 2022 chuyển sang năm 2023 trên địa bàn thành phố là trên 9 tỷ đồng.

Cần Thơ còn trên 517 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ
Cần Thơ còn trên 517 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ. Ảnh minh họa: H.T

Theo báo cáo từ Sở Tài chính Cần Thơ, tính đến hết tháng 8/2023, toàn thành phố đã giải ngân được trên 4.635 tỷ đồng vốn ĐTC năm 2023, đạt 54,3% kế hoạch vốn đã phân bổ. Còn với trên 9 tỷ đồng vốn NSĐP chuyển sang năm 2023, đến hết tháng 8/2023 giải ngân được trên 1,2 tỷ đồng; ước đến hết tháng 12/2023 sẽ giải ngân 100% nguồn vốn này.

Cũng theo báo cáo từ Sở Tài chính Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố đang gặp một số khó khăn nhất định trong công tác giải ngân vốn ĐTC.

Cụ thể, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn vì người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA vẫn còn tiếp diễn, từ đó dẫn đến khiếu nại không hợp tác. Nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường.

Hết tháng 8/2023, TP. Cần Thơ đã giải ngân được trên 4.635 tỷ đồng vốn ĐTC năm 2023, đạt 54,3% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Các dự án khởi công mới vào cuối năm 2022 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định, nên những tháng đầu năm 2023, khối lượng hoàn thành ngoài công trường chỉ được thanh toán một phần, phần còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định nên số vốn giải ngân chưa nhiều.

Công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, nhất là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi vào triển khai thực hiện rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh nên mất nhiều thời gian. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.

Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, chưa thể bàn giao nền cho người dân. Đây là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.

Cần Thơ còn trên 517 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ
Cần Thơ đề nghị điều chuyển trên 359 tỷ đồng vốn nước ngoài. Ảnh minh họa: H.T

Ngoài ra, báo cáo từ Sở Tài chính Cần Thơ cũng nêu, Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, công tác phối hợp giữa chủ đẩu tư các cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc.

Đề nghị điều chuyển trên 359 tỷ đồng vốn nước ngoài

Báo cáo từ Sở Tài chính Cần Thơ cũng cho biết, đến nay, thành phố còn 517,635 tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 chưa giao chi tiết.

Cụ thể, vốn trong nước còn 158 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến bố trí cho 2 dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt gồm: 105 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ; 53 tỷ đồng cho Dự án nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị 9 trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Báo cáo từ Sở Tài chính Cần Thơ cũng cho biết, đến nay, thành phố còn 517,635 tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 chưa giao chi tiết.

Vốn nước ngoài còn 359,635 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho Dự án Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ có quy mô 500 giường. Tuy nhiên, thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn của dự án đã hết, thủ tục gia hạn chưa thể hoàn thành và không thể giao chi tiết cũng như giải ngân vốn dự kiến giao cho dự án trong năm 2023. Theo đó, UBND TP. Cần Thơ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chuyển nguồn vốn này sang các bộ, ngành, địa phương khác.

Ngoài ra, hiện trên địa bàn thành phố còn có Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ do AFD (Cơ quan phát triển Pháp) tài trợ, kế hoạch vốn ODA năm 2023 được bố trí trên 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời hạn rót vốn của dự án là ngày 30/4/2023, do đó, chủ đầu tư không thể tiến hành thủ tục xin rót vốn./.