Cảng Cần Thơ hướng tới mục tiêu cảng thông minh, phát triển xanh
Phó Tổng giám đốc VIMC Lê Quang Trung (giữa), Chủ tịch Công đoàn VIMC Lê Phan Linh (trái) tại Lễ phát động Tết trồng cây năm 2024 nhân dịp Hội nghị người lao động của Công ty cảng Cần Thơ.

Phát triển cảng biển Cần Thơ thân thiện với môi trường

Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), với chiều dài bờ biển 700 km, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng rất lớn để phát triển giao thông thủy, góp phần giảm chi phí logistics. ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước...

Tuy nhiên, chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm của vùng này. Để cơ sở hạ tầng và logistics phục vụ cho sản xuất xuất khẩu ở khu vực trọng điểm ĐBSCL, các công ty kinh doanh cảng biển đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại các tỉnh trong khu vực.

Là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, sở hữu hệ thống cảng biển quy mô và hiện đại nhất Việt Nam, VIMC luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong những năm qua, VIMC đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm “xanh hóa” hệ thống cảng biển để thực hiện cam kết “phát thải ròng bằng 0”. Phát triển cảng biển theo hướng thân thiện với môi trường là mục tiêu của VIMC và các doanh nghiệp cảng biển, như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn… hướng đến.

Đối với Cảng Cần Thơ, năm 2023 do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bất ổn địa chính trị, lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, nên tổng lượng hàng hóa qua Cần Thơ và khu vực ĐBSCL chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình. Tuy nhiên, Cảng Cần Thơ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất và kinh doanh, bao gồm việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và khai thác cảng, tăng cường thu hút khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, và giảm chi phí.

Nhờ những nỗ lực này, Cảng Cần Thơ đã đạt được những kết quả tích cực, với sản lượng hợp nhất đạt 3.694 nghìn tấn, trong đó hàng container đạt 5,880 TEUs. Doanh thu hợp nhất đạt hơn 152 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 8,07 tỷ đồng. Cả 2 chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch năm.

Mục tiêu sản lượng đạt 3.700nghìn tấn, doanh thu đạt 150 tỷ đồng

Tiếp nối đà phát triển năm 2023, năm 2024, Cảng Cần Thơ đặt mục tiêu: Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 3.700 nghìn tấn, doanh thu đạt 150 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5,1 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Cảng Cần Thơ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: khai thác tối đa hệ thống kho được VIMC đầu tư để duy trì, ổn định lượng hàng hóa qua cảng; tiếp tục duy trì chất lượng dịch vụ đối với các khách hàng sắt thép thành phẩm, hàng phân bón, tàu clinker, xỉ sắt…; tìm kiếm các đối tác chiến lược đầu tư nâng cấp bến cảng Hoàng Diệu; rà soát, đàm phán cắt giảm các chi phí như đàm phán lại giá thuê phương tiện bên ngoài, tiết giảm các chi phí không cần thiết...

Theo Phó Tổng giám đốc VIMC, Chủ tịch HĐQT Cảng Cần Thơ Lê Quang Trung, năm 2024, Cảng Cần Thơ sẽ tiếp tục rà soát và cải tiến quy trình tác nghiệp nhằm mang lại sự thuận tiện và hiệu quả nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Đồng thời, doanh nghiệp tìm kiếm, chào đón các đối tác, khách hàng quan tâm, hợp tác đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng tại cảng.

Đồng thời, đơn vị khẳng định mô hình cảng thông minh, phát triển xanh là lựa chọn tất yếu trong bước chuyển mình của các doanh nghiệp cảng biển VIMC cũng như Cảng Cần Thơ và VIMC Hậu Giang. Đồng thời, doanh nghiệp khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cảng Cần Thơ hướng tới mục tiêu cảng thông minh, phát triển xanh
Cần Thơ định hướng nâng cấp 2 luồng hàng hải Định An và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, phát triển cảng biển.

Chia sẻ về kinh nghiệm “xanh hóa” cảng biển, Phó Tổng giám đốc VIMC Lê Quang Trung đề nghị Cảng Cần Thơ và VIMC Hậu Giang cần tập trung vào các tiêu chí như: tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ thời kỳ 4.0…

Đối với khó khăn của các cảng trong quá trình nâng cấp theo yêu cầu phát triển cảng xanh, do hệ thống hạ tầng đã cũ từ vài chục năm, đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn. Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung cho biết, tổng công ty sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, tìm kiếm những giải pháp dài hơi để phát triển cảng biển xanh, bền vững đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo công bố của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về phát thải khí nhà kính lần thứ 4 vào tháng 8/2020, lượng phát thải khí nhà kính của ngành vận tải biển (quốc tế, nội địa và đánh bắt cá) đã tăng gần 9,6% trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018 (từ 977 triệu tấn lên 1.076 triệu tấn). Chỉ tính riêng phát thải khí CO2 đã tăng từ 962 triệu tấn lên 1.056 triệu.

Theo dự báo, đến năm 2050, lượng phát thải khí thải nhà kính của hoạt động vận tải biển sẽ tăng lên tới 50% so với năm 2018, bất chấp các biện pháp hiệu quả năng lượng được áp dụng do nhu cầu vận tải dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, châu Á và châu Phi dự báo sẽ có mức tăng phát thải mạnh nhất do lưu lượng cảng tăng trưởng mạnh và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế.

Còn theo thông tin được công bố trên Diễn đàn giao thông quốc tế năm 2020, lượng phát thải từ tàu biển làm phát sinh gần 12 tỷ euro mỗi năm tại 50 cảng lớn nhất thế giới. Khoảng 230 triệu người trực tiếp tiếp xúc với khí thải tại 100 cảng biển trên thế giới về lượng khí thải vận chuyển (CH4, CO, CO2 và Nox).

Vì vậy, việc “xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc giảm khí phát thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân./.