![]() |
Nguồn: TBTCVN tổng hợp Đồ họa: PHƯƠNG ANH |
Không để tài sản công bị trục lợi
Sau mỗi đợt sáp nhập đơn vị hành chính, hàng nghìn trụ sở, nhà đất và trang thiết bị trở thành tài sản dôi dư. Nếu được xử lý đúng cách, đây sẽ là quỹ đất và công trình hữu ích cho giáo dục, y tế, sinh hoạt cộng đồng.
Nhiều địa phương thừa nhận việc thống kê, rà soát và đề xuất phương án xử lý tài sản công hiện vẫn phụ thuộc vào năng lực và tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ. Nếu thiếu cơ chế đối chiếu độc lập, một vài con số có thể bị điều chỉnh theo hướng “an toàn”, tức là tránh nêu hiện trạng thật, dẫn đến sai lệch trong lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực. |
Đơn cử tại Lào Cai, trụ sở UBND phường Bắc Cường cũ được chuyển đổi thành trường mầm non công lập phục vụ dân cư. Tại TP. Thái Nguyên, trụ sở cũ của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ được chuyển thành bãi đỗ xe và khu cây xanh; các trụ sở của Liên đoàn Lao động, Ban chỉ huy Quân sự thành phố được quy hoạch thành trường học và trung tâm lưu trữ lịch sử... Đây được đánh giá là bước đi đúng đắn, phù hợp quy hoạch của địa phương, vừa tránh lãng phí vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng xử lý quyết liệt như vậy. Ở nhiều địa phương, tài sản dôi dư vẫn đang bị bỏ không, xuống cấp hoặc chờ… nhiệm kỳ sau xử lý. Nguy hiểm hơn, nếu thiếu cơ chế giám sát hiệu quả, những tài sản ấy có thể bị “hợp thức hóa” trong các giao dịch thiếu minh bạch, gây thất thoát cho ngân sách.
Các chuyên gia cho rằng, muốn bịt các kẽ hở, việc giám sát cần được thực hiện đồng thời theo chiều ngang (giữa các cơ quan với nhau) và chiều dọc (từ người dân, báo chí, đại biểu dân cử). Bởi nếu chỉ trông vào báo cáo nội bộ, không ít tài sản có thể bị “bỏ quên” hoặc xử lý theo hướng có lợi cho một nhóm nhất định, gây thất thoát âm thầm nhưng lâu dài.
Phanh kịp “lãng phí ngầm” từ tài sản công bỏ hoang
Một trong những “liều thuốc” hiệu quả và ít tốn kém nhất để chống lãng phí chính là công khai thông tin. Khi toàn bộ danh mục tài sản dôi dư, tình trạng pháp lý, phương án xử lý và tiến độ thực hiện được cập nhật định kỳ trên cổng thông tin điện tử của UBND các cấp, thì người dân, báo chí và các tổ chức xã hội đều có thể cùng tham gia giám sát.
Thực tế có một số địa phương đã chủ động đi trước như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên... Các địa phương này đã lồng ghép việc công khai danh mục tài sản công vào chương trình công tác quý, đồng thời gửi báo cáo tiến độ định kỳ về Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa công khai đầy đủ, thậm chí không cập nhật dữ liệu lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Điều này gây khó khăn cho kiểm tra chéo, tạo ra kẽ hở trong giám sát.
Mặt khác, việc công khai không chỉ là hình thức đưa thông tin lên mạng. Công khai phải đi liền với khả năng tiếp cận, diễn giải rõ ràng và cập nhật kịp thời. Nhiều địa phương vẫn đăng tải báo cáo dưới dạng file ảnh, thiếu nội dung chi tiết, gây khó cho người dân, báo chí và đại biểu hội đồng nhân dân trong theo dõi.
Chính vì vậy, trong các văn bản đôn đốc việc rà soát, xử lý tài sản công dôi dư, Bộ Tài chính luôn yêu cầu địa phương khi báo cáo phải đính kèm dữ liệu, hình ảnh, phương án xử lý cụ thể nhằm kiểm soát chéo giữa các cấp, các ngành.
Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: kiểm soát quyền lực trong quản lý tài sản công phải đi liền với phân công, phân cấp rõ ràng và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Thông điệp được tái khẳng định mạnh mẽ tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày 7/7/2025, khi Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm… Không để tình trạng lợi dụng danh nghĩa xử lý tài sản để trục lợi cá nhân, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”.
Thực tế đã cho thấy, nếu không được xử lý nghiêm túc và minh bạch, tài sản công dôi dư sẽ là nguồn lực khổng lồ bị lãng phí, thậm chí dễ bị biến tướng. Trong quá khứ, từng có những tài sản bị định giá thấp, cho thuê sai quy định gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Trường hợp Công ty TNHH Đầu tư thương mại và du lịch Thắng Lợi dùng 410 m2 đất để góp vốn vào liên doanh khách sạn Hà Nội Fortuna trong khi chưa kê khai và nộp ngân sách nhà nước tiền thuê đất hàng năm là vụ việc điển hình tại thời điểm đó.
Cũng có nơi xảy ra tình trạng “thừa - thiếu cục bộ”, điển hình xã thì dư trụ sở, huyện lại thiếu trường học. Có chỗ thì có đất, nhưng không có ngân sách để chuyển đổi công năng, dẫn đến bỏ hoang, xuống cấp.
Những tài sản này không chỉ gây lãng phí trực tiếp, mà còn phát sinh “lãng phí ngầm”, tức là chi phí duy trì, bảo vệ, sửa chữa hàng năm. Nếu không được giám sát, những khoản chi này dễ bị hợp thức hóa qua các hình thức thanh quyết toán, trở thành gánh nặng ngân sách.
Đặc biệt, các khoản chi phí này thường nằm rải rác ở các dòng ngân sách khác nhau, khiến việc giám sát càng khó khăn. Chỉ khi lập hồ sơ giám sát riêng cho từng tài sản dôi dư, mới có thể đưa ra cảnh báo chính sách sớm, tránh tình trạng “gánh chi phí âm thầm” trong nhiều năm.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia đề xuất, cần lập hồ sơ giám sát chi phí vận hành của các tài sản dôi dư, coi đó như một chỉ số cảnh báo, buộc địa phương phải có phương án xử lý cụ thể, kịp thời.
Kiểm soát quyền lực - bảo vệ tài sản côngKhông thể chỉ trông chờ vào lòng tự giác của cán bộ. Phải có thiết chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Trong ngành Tài chính, điều này đang được thực hiện nghiêm túc thông qua Quyết định số 2000/QĐ-BTC và Thông tư số 66/2025/TT-BTC. Tại các văn bản này, Bộ Tài chính đã thiết lập cơ chế kiểm tra chặt chẽ toàn bộ hoạt động liên quan đến tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng và công nghệ thông tin trong toàn ngành. Theo đó, cơ chế này đã phân rõ trách nhiệm từng cấp, quy định chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất, đồng thời yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm, kể cả khi không trực tiếp thực hiện. Nhờ đó, tài sản công thuộc hệ thống ngành Tài chính, kể cả sau sáp nhập đều nằm trong “vùng kiểm soát”, gần như không xảy ra tình trạng “xé rào” hoặc để tài sản cho thuê trái phép hay sử dụng sai mục đích mà không ai chịu trách nhiệm. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định: “Quyền lực phải được kiểm soát. Tài sản công phải được bảo vệ”. Đây không chỉ là định hướng chính trị, mà còn là yêu cầu rất cụ thể đối với từng cấp chính quyền, từng cán bộ quản lý tài sản công. Nếu không kiểm soát quyền lực, không minh bạch thông tin, thì lãng phí rất dễ bị “hợp pháp hóa” qua các thủ tục tưởng chừng đúng quy trình. Hàng nghìn tài sản công dôi dư sau sáp nhập đang chờ được xử lý. Xử lý thế nào để không bị thất thoát, không bị lạm dụng, không trở thành “cái bẫy” hợp thức hóa vi phạm - đó là câu hỏi buộc các cấp chính quyền, bộ, ngành phải trả lời bằng hành động. Và một trong những câu trả lời rõ ràng nhất, không thể trì hoãn là thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch và không khoan nhượng với lãng phí như Bộ Tài chính đang làm. |