Sau khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính 2 cấp từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 có hai tỉnh gồm An Giang (sáp nhập tỉnh Kiên Giang và An Giang) và Cà Mau (sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau). Đây là 2/6 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích tự nhiên 17.831 km2, chiếm 39,7% diện tích toàn vùng. Trong đó, tỉnh An Giang (mới) có quy mô dân số và diện tích lớn nhất vùng; tỉnh Cà Mau (mới) đứng thứ 3/6 về diện tích, thứ 6/6 về dân số.
Tín dụng đưa nông - thủy sản vươn xa, góp lực cho GDP
Tỉnh An Giang xác định tầm nhìn trở thành một trung tâm phát triển năng động, toàn diện và bền vững của vùng, giữ vai trò kết nối chiến lược Đông - Tây, biển - biên giới, đô thị - nông thôn, dịch vụ - sản xuất - du lịch, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; động lực phát triển công nghiệp, logistics và văn hóa toàn vùng.
Còn tỉnh Cà Mau định hướng phát triển kinh tế hội tụ đầy đủ các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp, công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch, kinh tế biển và kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển kinh tế biển.
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội hai tỉnh trong khu vực phát triển tích cực. Theo đó, GRDP An Giang tăng khoảng 8,12%; GRDP Cà Mau tăng khoảng 7,09%. Nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt góp phần tạo nên sức bật tăng trưởng nửa đầu năm.
Dư nợ tín dụng Khu vực 15 tăng 3,55%, An Giang chiếm gần 70% Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15, tính đến cuối tháng 7/2025, dư nợ tín dụng khu vực ước đạt 390.600 tỷ đồng, tăng 0,52% so tháng trước và tăng 3,55% so cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ tín dụng An Giang ước đạt 267.400 tỷ đồng, tăng 2,6% so cuối năm 2024, chiếm 68,5% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15; Cà Mau ước đạt 123.200 tỷ đồng, tăng 5,68% và chiếm 31,5%. |
Được tiếp sức bởi dòng vốn tín dụng kịp thời và ổn định, Công ty cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, hiện quản lý hơn 10.000 ha vùng nguyên liệu, liên kết với hơn 6.000 hộ nông dân và hợp tác xã, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động.
Nguồn vốn tín dụng cũng góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, kiểm soát quy trình sản xuất chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nông dược quốc tế, đây là điều kiện tiên quyết để giữ vững thị trường xuất khẩu.
Tổng Giám đốc Antesco Nguyễn Hoàng Minh cho biết, với sản lượng trên 100.000 tấn nguyên liệu mỗi năm, số hóa là yếu tố bắt buộc để quản lý hiệu quả, với ba mô hình đang triển khai gồm: quản trị văn phòng, sản xuất và kiểm soát chi phí. Doanh nghiệp cũng tích cực hỗ trợ nông dân sử dụng điện thoại thông minh để kết nối sản xuất - tiêu thụ, đồng thời ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào canh tác.
![]() |
Tàu vào bến chở gạo thu hoạch từ cánh đồng Châu Phú theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: T.L. |
Song song với đó, hai tỉnh đang triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Nhờ sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, nhiều hộ nông dân và hợp tác xã có điều kiện chuyển đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị nông sản và mở rộng liên kết tiêu thụ bền vững.
Nhờ những chuyển biến tích cực này, dư nợ cho vay ngành lúa gạo tại khu vực 15 đạt 31.463 tỷ đồng, chiếm 13,77% tổng dư nợ toàn khu vực.
An Giang và Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với cả ba loại hình môi trường nuôi thủy sản gồm nước ngọt, mặn và lợ, cùng bờ biển dài hơn 200 km và ngư trường rộng trên 63.000 km2, tạo điều kiện tốt phát triển ngành thủy sản, phục vụ chế biến xuất khẩu lẫn tiêu thụ ở thị trường trên 101 triệu dân của Việt Nam.
Về ngành hàng xuất khẩu cá tra, An Giang có 18 doanh nghiệp với 23 nhà máy, công suất chế biến trên 350.000 tấn/năm. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn khu vực đẩy mạnh cho vay lĩnh vực thủy hải sản trên địa bàn, với dư nợ ngành thủy sản đạt 78.693 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng dư nợ.
Tính đến cuối tháng 7, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15, dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 80.940 tỷ đồng, tăng 2,1% so cuối năm 2024, chiếm 20,8% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15.
Dư nợ tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng đạt 52.174 tỷ đồng, tăng 1,91% so cuối năm 2024, chiếm 13,4%. Tín dụng ngành thương mại và dịch vụ đạt 255.470 tỷ đồng, tăng 3,55% và chiếm 65,79%.
Định hướng tín dụng cuối năm, kiểm soát chặt lĩnh vực rủi ro
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP của hai tỉnh, ngoài nguồn lực đầu tư công của Chính phủ, hệ thống ngân hàng Khu vực 15 tiếp thêm động lực tăng trưởng kinh tế địa phương bằng giải pháp đồng bộ, tăng tốc dư nợ tín dụng vào các động lực tăng trưởng. Trong đó, ưu tiên cho vay phát triển hạ tầng mang tính chiến lược, trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến đường kết nối vùng, liên kết đến các vùng nuôi, nhà máy, kho lạnh, cảng sông, cảng biển.
Tháng 12/2025, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến khánh thành và đưa vào khai thác, góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản của tỉnh.
![]() |
Ngư dân nuôi cá lồng trên biển Kiên Hải. Ảnh: T.L. |
Giai đoạn cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 15 triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó, cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế của khu vực như: phát triển kinh tế biển, công nghiệp, logistics, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch... và các mặt hàng nông sản chủ lực như: lúa gạo, thủy sản...
Tạo thuận lợi tiếp cận vốn, không nới lỏng điều kiện tín dụng Nửa cuối năm 2025, các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm.... theo hướng dẫn của Hội sở chính, đi đôi với việc tuân thủ các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh. Chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức phù hợp./. |